Tê tê châu Phi có tên Manis temminckii, ban ngày ngủ trong hang, chúng chỉ ra ngoài kiếm ăn khì màn đêm buông xuống. Con tê tê có thể chiếm những cái hang đã bỏ của thỏ, lợn đất hay những con thú khác làm nơi ở, hoặc tự đào hang cho mình. Hang do chúng đào có đường kính từ 15-20cm và sâu đến vài m.
Đầu chúng hình nón với hai lỗ tai nhỏ xíu, tuy không có vành tai nhưng lại nghe tốt. Thân mình tê tê dài khoảng 50cm, đuôi dài khoảng 35cm, cân nặng khoảng 9kg. Mõm nhô dài ra, 3 trong số 5 ngón chân ở chân trước có móng vuốt to, dài và mạnh, các móng chân sau nhỏ hơn. Toàn thân chúng có vảy, trông giống như con ta tu châu Mỹ (2 loài động vật này hoàn toàn khác nhau). Thị giác kém, khứu giác nhạy nên trong bóng tối mù mịt chúng vẫn dễ dàng tìm được mồi, chúng có một tuyến mùi vô cùng hôi hám dùng để xua đuổi kẻ thù.
Tê tê Manis temminckii rất thích ăn côn trùng, đặc biệt là kiến và mối. Chúng có thể đào bới bất cứ tổ mối nào nhưng thường thì chúng đánh hơi để tìm cho được loại mối chúng thích. Chúng dùng móng vuốt để đào bới những ụ đất, dùng lưỡi dài khoảng 40cm để bắt kiến và mối. Những tuyến nước bọt lớn trong miệng tê tê làm cho lưỡi chúng luôn ẩm ướt, khiến cho kiến và mối dễ dàng bị mắc dính vào lưỡi mà không thể vùng thoát ra được. Lúc không bắt ăn mồi, tê tê để lưỡi mình trong một cái túi nằm sâu trong cổ họng. Ngoài cách kiếm mồi đó, tê tê Manis temminckii còn có cách độc đáo hơn: cho kiến và mối bò lên khắp thân thể, mở những khe vảy ra, sau đó khép mạnh những khe hở này lại làm cho côn trùng bị nghiền chết. Đến khi đó, tê tê cứ từ từ ăn côn trùng.
Tê tê là loại thú có vú duy nhất có vảy lớn, khắp người chúng đều có vảy, trừ phần mõm, cằm, cổ họng, 2 bên mặt và bụng. Nếu bị tấn công, tê tê sẽ cuộn tròn lại như trái bóng. Vì vảy rất cứng, chúng phải tốn nhiều sức lực mới có thể cuộn người lại được. Rất khó cạy bật một con tê tê ra khỏi hình dạng cuộn tròn đó. Lớp vảy này rất cứng, có thể chịu đựng được viên đạn bắn từ một số loại súng nhỏ.
Tê tê cũng có thể quất đuôi làm bị thương những kẻ tấn công và ngăn không cho thú dữ kéo bật nó ra khỏi hình dạng cuộn tròn. Những cái vảy này có cạnh bén sắc có thể làm cho kẻ thù bị thương nặng.
Phần lớn cuộc đời tê tê Manis temminckii sống đơn độc. Chúng chỉ sống thành cặp trong một khoảng thời gian ngắn lúc giao phối. con đực cũng đánh nhau dữ dội để giành con cái. Sau khoảng 140 ngày mang thai, tê tê mẹ đẻ duy nhất một con non. Lúc mới sinh, con non dài khoảng 15cm và nặng khoảng 300g. Lớp vảy màu xanh mềm của chúng bắt đầu cứng dần lên vào ngày thứ 2 sau khi chào đời. Con non bắt đầu ăn mối khi được 1 tháng tuổi, được mẹ nuôi nấng chăm sóc suốt từ 3-4 tháng; nếu thấy nguy hiểm, nó trườn xuống dưới bụng mẹ và mẹ cuộn người lại bảo vệ nó.
Báo và những loại thú lớn khác (như linh cẩu) thường ăn thịt tê tê, dù con tê tê hoàn toàn được bình an trước những loại thú ăn thịt nhỏ con. Tuy nhiên, con người là nguyên nhân gây thiệt hại nhiều nhất cho loài tê tê. Tê tê dược cho là nguồn tạo ra được pháp thuật và bùa mê. Khi trộn với vỏ của những loại cây nào đó, vảy của tê tê được người ta dùng để giải bùa chú và xua đuổi ma quỷ. Người ta còn dùng vảy tê tê như một món đồ đeo tay, xem như một loại bùa. Thổ dân ở các bộ lạc châu Phi còn tin rằng nếu một người đàn bà đem chôn những miếng vảy này xuống gần cửa nhà một người đàn ông, người đàn bà đó sẽ có thể sai khiến người đàn ông bị bỏ bùa mê.
Thỉnh thoảng, vảy tê tê còn được đốt lên để xua đuổi sư tử và những thú dữ khác; ở một số nơi tê tê còn bị tế lễ khi tổ chức cầu mưa. Người ta cũng bắt tê tê ăn thịt, nhiều bộ lạc cho rằng, có thể dùng vảy chúng làm thành thuốc chữa bệnh có tác dụng cực mạnh. Mỗi cái vảy được bán với giá tương đương 17USD, bên cạnh đó, da của chúng có thể dùng làm giày vì nó rất bền và đẹp, do đó tê tê cũng thường bị giết hại để lấy da.
Tê tê châu Phi là một trong những con vật khó nuôi nhất trong môi trường giam cầm. Trong thiên nhiên chúng sống thọ được khoảng 20 năm tuổi, chúng cũng đang trên đà bị tuyệt chủng.