Không quân Mỹ đã ký với hãng Lockheed Martin hợp đồng sản xuất tên lửa chuyên chở có cánh dùng nhiều lần mang tên RBS Pathfinder.
>>> Ấn Độ phát triển thành công hợp kim cho tên lửa
Theo Cnews, loại tên lửa mang mới này sẽ đơn giản hoá và giảm chi phí cho việc chở các thiết bị vũ trụ lên quỹ đạo và mở ra một trang mới trong việc chinh phục không gian. Theo hợp đồng, chi phí cho việc soan thảo dự án là 2 triệu đôla, trong 5 năm sẽ chế tạo và vận hành thử nghiệm với kinh phí 250 triệu đôla.
Loại tên lửa mới có thể sử dụng hàng trăm lần.
Dự án tên lửa RBS khác hẳn các tên lửa chuyên chở dùng một lần hiện nay. RBS Pathfinder là một tàu con thoi cải tiến sử dụng nhiều lần dùng động cơ tên lửa, có cánh, bảo đảm hạ cánh có điều khiển trên đường băng. RBS được phóng lên theo đường thẳng đứng giống như tên lửa bình thường và sau khi đạt được đến độ cao xác định và các tải trọng hữu dụng (ví dụ các vệ tinh) đã tách ra, tầng I của tên lửa – chuyên chở hoàn thành phi vụ và bắt đầu hạ cánh có điều khiển. Sau đó tên lửa không người lái thực hiện việc tiếp đất theo kiểu máy bay để chuẩn bị cho lần phóng sau.
Tên lửa sử dụng nhiều lần RBS Pathfinder sẽ thay thế những tên lửa chuyên chở dùng một lần vừa đắt tiền, vừa lạc hậu.
Theo yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong hợp đồng, tên lửa RBS Pathfinder phải dùng được ít nhất 100 lần phóng và cứ 10 lần sử dụng mới phải thay động cơ một lần.
RBS Pathfinder cho phép tiết kiệm nhiều công sức để chế tạo tầng đầu của tên lửa-chuyên chở cồng kềnh và tốn kém, hiện nay vẫn bị huỷ sau khi đã đưa lên tải trọng hữu ích lên quỹ đạo.
Cho tới nay, người ta chưa biết phương tiện chuyên chở mới này có thể tận dụng được cả cho những con tàu có người lái không, hay nhiệm vụ của nó chỉ là đặt những vệ tinh lên quỹ đạo xung quanh Trái đất, những con tàu vũ trụ không người lái và những thiết bị không gian khác.
Sau khi ký hợp đồng về nghiên cứu chế tạo các nguyên mẫu, vào năm 2015, RBS Pathfinder sẽ tiến hành những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Hệ thống mới sẽ hoàn toàn thay thế các tên lửa chuyên chở cũ của ngành hàng không vũ trụ Mỹ cho tới năm 2030.
Cần lưu ý rằng Lầu Năm góc đang tích cực nghiên cứu các mẫu khác nhau của vũ khí siêu âm, cần phải có những phương tiện rẻ tiền để đưa lên độ cao lớn trên không gian và chạy đua về tốc độ cao. Như vậy, rất có thể trong tương lai, chính tên lửa RBS sẽ trở thành tên lửa chuyên chở vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ.