Tên lửa Trường Chinh-8 cất cánh hôm 27/2 từ Bãi phóng Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, cực nam Trung Quốc, chở 22 vệ tinh cho một loạt các công ty thương mại vũ trụ.
Trung Quốc phóng 22 vệ tinh bằng tên lửa Trường Chinh-8. (Ảnh: Xinhua)
Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) sau đó đã xác nhận vụ phóng diễn ra thành công. Các vệ tinh lần lượt được triển khai vào quỹ đạo theo 12 nhóm. Chúng sẽ được sử dụng chủ yếu cho các dịch vụ viễn thám thương mại, giám sát môi trường biển, phòng chống cháy rừng và giảm nhẹ thiên tai. Đây là chuyến bay thứ 409 của dòng tên lửa Trường Chinh.
Tên lửa Trường Chinh-8 là phiên bản sửa đổi của một tên lửa Trường Chinh cũ có sức nâng hạng trung, với chiều cao 48 m và trọng lượng cất cánh 198 tấn. Nó sử dụng động cơ đẩy không độc hại và không gây ô nhiễm.
So với mô hình ban đầu, phiên bản sửa đổi không có cặp tên lửa đẩy bên hông nhưng có thể phóng nhiều vệ tinh với các yêu cầu quỹ đạo khác nhau.
Trường Chinh-8 là thế hệ tên lửa phòng không mới của Trung Quốc được phát triển từ năm 2017 và thực hiện sứ mệnh đầu tiên tại bãi phóng ven biển Văn Xương vào ngày 22/12/2020.
Chỉ huy trưởng của tên lửa Xiao Yun cho biết, CASC đang xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm dành riêng cho mẫu tên lửa Trường Chinh-8 bên ngoài bãi phóng Văn Xương. Sau khi hoàn thành, nó sẽ rút ngắn khoảng thời gian phóng giữa các tên lửa Trường Chinh-8 xuống còn 7 ngày, cho phép thực hiện 50 lần phóng mỗi năm.