Trung Quốc đã thực hiện sứ mệnh không gian thứ 9 trong vòng 30 ngày qua, đưa 16 vệ tinh mới vào quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh 6.
Tên lửa Trường Chinh 6 phóng 16 vệ tinh hôm 10/8. (Video: CASC)
Theo Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), tên lửa Trường Chinh 6 có mã hiệu Y10 cất cánh từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Taiyuan ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, vào lúc 12h50 ngày 10/8 giờ địa phương, tức 11h50 giờ Hà Nội.
Trên đỉnh tên lửa là 16 vệ tinh thương mại được phát triển bởi Công ty Công nghệ Vệ tinh Chang Guang (CGST) có trụ sở tại đông bắc Trung Quốc, bao gồm 10 vệ tinh chụp ảnh quang học độ phân giải cao Jilin-1 Gaofen 03D09 và 6 vệ tinh khí tượng Yunyao-1 04-08.
Đây đã là vụ phóng không gian thứ 9 của Trung Quốc trong vòng 30 ngày qua và là chuyến bay thứ 432 của dòng tên lửa Trường Chinh. Sứ mệnh diễn ra chỉ một ngày sau khi công ty Galactic Energy phóng tên lửa Ceres 1 thứ ba từ thị trấn Tửu Tuyền.
Đây là chuyến bay thứ 432 của dòng tên lửa Trường Chinh
Trung Quốc cũng đã phóng một module mới cho trạm vũ trụ Thiên Cung, một máy bay vũ trụ bí mật, một vệ tinh chuyển tiếp thông tin liên lạc, một nhóm vệ tinh do thám, một cặp vệ tinh chụp ảnh với độ phân giải 11,8 inch (30 cm) mỗi pixel, một vệ tinh giám sát carbon và một tên lửa nhiên liệu rắn thương mại mới.
CASC có kế hoạch thực hiện hơn 50 sứ mệnh không gian trong năm 2022, hợp tác với các công ty tên lửa thương mại như Galactic Energy, CAS Space và Expace.
Tên lửa Trường Chinh 6 được CASC và Học viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Thượng Hải phát triển từ những năm 2000 và có chuyến bay đầu tiên vào năm 2015. Phương tiện phóng ba giai đoạn này chạy bằng nhiên liệu lỏng, cao 29 m và có khả năng mang trọng tải nặng ít nhất 1.000kg lên quỹ đạo đồng bộ Mặt trời.