Thành Cát Tư Hãn có thể chết vì dịch hạch

Nghiên cứu mới dựa trên tài liệu lịch sử phủ nhận các giả thuyết phổ biến về cái chết của Thành Cát Tư Hãn như mất máu do bị ám sát hoặc ngã ngựa.

Thành Cát Tư Hãn, tên thuở nhỏ là Thiết Mộc Chân, sinh ra ở bộ lạc Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị, là một trong những nhà quân sự nổi tiếng nhất trong lịch sử. Năm 1206, ông lập nên đế quốc Mông Cổ với lãnh thổ rộng gấp 2,5 lần đế quốc La Mã tính đến năm ông qua đời (năm 1227). Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Human Genetics năm 2003 kết luận khoảng 1/200 người đàn ông trên thế giới có thể là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn.


Chân dung Thành Cát Tư Hãn trong tranh vẽ trên lụa lưu trữ tại Bảo tàng Cố cung Quốc lập ở Đài Loan. (Ảnh: WIkipedia).

Dù có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn, cái chết của Thành Cát Tư Hãn vẫn là điều bí ẩn. Dòng tộc và binh lính của Thành Cát Tư Hãn được lệnh giữ kín nguyên nhân cái chết của ông bởi đó là giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm với Tây Hạ. Một giả thuyết cho rằng Thành Cát Tư Hãn chết vì mất máu sau khi bị đâm bởi công chúa của người Đảng Hạng, bộ tộc ở tây bắc Trung Quốc. Giả thuyết khác cho biết ông qua đời do vết thương ngã ngựa hoặc do trúng mũi tên dẫn tới nhiễm trùng trong trận chiến cuối cùng với Tây Hạ.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả giả thuyết trên đều được thêu dệt sau khi Thành Cát Tư Hãn chết và không có đủ bằng chứng thuyết phục. Francesco Galassi, bác sĩ kiêm chuyên gia nghiên cứu bệnh cổ đại tại Đại học Flinders ở Adelaide, Australia, và cộng sự quyết định tập trung vào cái chết của Thành Cát Tư Hãn trong lúc tiến hành nghiên cứu y khoa về tác động của dịch bệnh trên khắp thế giới.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào Nguyên sử, một tài liệu biên soạn dưới thời nhà Minh. Theo cuốn sử này, từ ngày 18/8 đến ngày 25/8/1227, trong trận chiến cuối cùng chống Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn cảm thấy không khỏe. Một trận sốt đã cướp đi tính mạng của ông trong vòng 8 ngày sau khi bệnh khởi phát. Nghiên cứu trước đó chỉ ra Thành Cát Tư Hãn nhiễm thương hàn, nhưng Galassi và cộng sự nhấn mạnh không có ghi chép nào đề cập tới các triệu chứng thông thường khác của bệnh thương hàn như đau bụng hoặc nôn mửa.

Các nhà khoa học không chỉ xem xét biểu hiện lâm sàng của Thành Cát Tư Hãn mà còn sử dụng thông tin về dịch bệnh mà quân Mông Cổ và kẻ thù của họ mắc phải đương thời, cũng như hiểu biết hiện đại về thời gian khởi phát của bệnh truyền nhiễm. Họ nhận thấy những triệu chứng của Thành Cát Tư Hãn trùng khớp với bệnh dịch hạch lan tràn ở thời kỳ đó, theo Maciej Henneberg, nhà khảo cổ và bệnh học cổ đại ở Đại học Adelaide.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận nghiên cứu chẩn đoán quá khứ kiểu này có phần hạn chế do không thể tiếp cận hài cốt của Thành Cát Tư Hãn. "Tuy không nắm chắc 100% về nguyên nhân chính xác dẫn tới cái chết, chúng tôi có thể nói giả thuyết lâm sàng này có tính thực tế hơn nhiều và đáng cân nhắc hơn bất kỳ giả thuyết nào khác", Galassi chia sẻ.

Cập nhật: 06/02/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video