Thành tựu y học nào sẽ đến trong tương lai?

Trong một vài năm nữa, nhân loại sẽ được tiếp cận những tiến bộ nào trong y học? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên đài truyền hình ABC đã gõ cửa nhiều phòng thí nghiệm tại Mỹ và một số nước, kết hợp với phỏng vấn các nhà nghiên cứu.

Dự báo, những thành tựu sắp tới sẽ là:

Thuốc ngừa thai cho nam giới

Các công ty dược châu Âu đã điều chế một loại hóa chất ức chế hoóc-môn đóng vai trò sản xuất tinh trùng. Thử nghiệm trên chuột cho thấy những con đực ăn phô mai trộn “thuốc ngừa thai” không còn khả năng sản sinh tinh trùng, nhưng sau khi ngưng thuốc, tinh trùng được sản xuất bình thường trở lại. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển kỹ thuật thắt ống dẫn tinh tạm thời để ngăn tinh trùng di chuyển đến dương vật. Thay vì cắt hoặc thắt ống dẫn tinh, bác sĩ sẽ cấy một dụng cụ để kẹp ống dẫn tinh. “Nó cũng giống như vòng tránh thai cho nam giới”, Tiến sĩ Manny Alvarez thuộc khoa Y Đại học New York (Mỹ) mô tả.

Dự kiến trong 5 năm nữa, thuốc ngừa thai cho nam giới sẽ được lưu hành. Trong khi đó, dụng cụ kẹp ống dẫn tinh hiện đang được thử nghiệm trên người và có thể được Cục Quản lý Dược Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng trong vòng 1 năm nữa.

Vắc-xin ngừa HIV

25 năm qua, các nhà khoa học luôn tìm kiếm liệu pháp chữa trị HIV/AIDS nhưng chưa đạt kết quả nào đáng kể. Theo Patricia Fast, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Vắc-xin chống AIDS quốc tế (IAVI), mỗi khi virus lây lan, chúng thường biến đổi đôi chút - nghĩa là không có chuyện hai bệnh nhân cùng nhiễm y chang một chủng HIV. Chính điều này khiến việc bào chế thuốc đặc trị dùng cho tất cả bệnh nhân trở nên gần như bất khả thi.

Nhưng liệu chúng ta có thể phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm? Đó là mục tiêu của hơn 30 cuộc thử nghiệm trên người đang được tiến hành trên khắp thế giới. Theo Fast, do việc sử dụng vắc-xin được bào chế từ HIV bị làm suy yếu hoặc bị tiêu hủy là không an toàn, nên bệnh nhân tham gia thử nghiệm được tiêm một ít thành phần cơ bản của mỗi chủng vi-rút. Bằng cách này, cơ thể có thể học cách chống chọi với vi-rút mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong trường hợp cơ thể bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch sẽ biết cách nhận diện và triệt tiêu vi-rút.

Các nhà khoa học chưa thể xác định thời điểm vắc-xin ngừa HIV/AIDS có mặt trên thị trường. Thông thường khi vắc-xin bước vào giai đoạn thử nghiệm sau cùng thì khoảng 5 năm sau mới có thể xác định hiệu quả của nó. Sau đó, nó còn phải trải qua nhiều khâu kiểm nghiệm nữa trước khi được cấp phép lưu hành toàn cầu.

Phòng bệnh lây qua đường tình dục không cần “áo mưa”

Mặc dù bao cao su có tác dụng tránh thai và phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục nhưng chẳng ai thích mặc “áo mưa” khi “hành sự”. Nắm bắt tâm lý này, công ty Instead (Mỹ) đã thử nghiệm gel Amphora bôi âm đạo, có khả năng tiêu diệt ngay mầm bệnh nhưng không ảnh hưởng đến những vi khuẩn có lợi tự nhiên trong cơ thể. Thoa Amphora khoảng 12 giờ trước khi quan hệ cùng với dụng cụ bao cổ tử cung sẽ tăng gấp đôi khả năng tránh thai.

Quá trình thử nghiệm gel dự kiến kéo dài thêm 2 năm nữa. Nếu thành công, chế phẩm này sẽ được FDA cấp phép lưu hành vào năm 2011.

Viagra dành cho nữ

Công ty Boehringer Ingelheim (Đức) vừa điều chế chất flibanserin có khả năng làm giảm hàm lượng hoóc-môn serotonin ở cơ quan thụ cảm trong não đóng vai trò chi phối ham muốn tình dục. Serotonin ức chế dopamine, hoóc-môn có chức năng kích thích ham muốn tình dục. Theo Anita Clayton, Tiến sĩ tâm thần học và hành vi thần kinh ở Đại học Virginia (Mỹ), hạn chế serotonin sẽ giúp dopamin phát huy tác dụng.

Chậm nhất là cuối năm 2009, "thần dược phòng the" dành cho nữ giới sẽ xuất hiện.

Kiểm tra đường huyết không đau

Bệnh nhân tiểu đường phải thường xuyên kiểm tra đường huyết bằng cách trích lấy ít máu ở đầu ngón tay, gây cảm giác đau đớn. Một loại kính áp tròng đang được Đại học Pittsburgh (Mỹ) thử nghiệm ngoài công dụng chữa tật cho mắt còn giúp bệnh nhân giám sát đường huyết 24/24. Kính có chứa một tinh thể photon có thể đổi màu khi hàm lượng đường trong nước mắt tăng hoặc giảm. Chỉ cần nhìn thoáng qua gương, người dùng sẽ biết được tình trạng đường huyết của mình.

Khoảng 4 năm nữa, bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng loại kính này.

Chữa ung thư “nhẹ nhàng” hơn

Dù chưa thể trị tận gốc bệnh ung thư nhưng các nhà khoa học sắp thành công trong việc đẩy lùi những tác dụng phụ khó chịu của liệu pháp hóa trị, xạ trị và phẫu thuật như mệt mỏi, nôn mửa và rụng tóc. Tiến sĩ Marek Malecki và đồng nghiệp ở Đại học Nam Dakota (Mỹ) đang biến đổi gien các kháng thể – vốn có chức năng nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh – thành dạng có khả năng truy tìm khối u mà không làm ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Các kháng thể mới, được nghiên cứu cho từng bệnh ung thư, sẽ được đưa vào cơ thể qua mũi tiêm. Thử nghiệm trên chuột cho kết quả khả quan.

Hiện nhóm của Marek đang bào chế kháng thể để thử nghiệm trên người. Nếu thành công, trong vòng 3-5 năm nữa, phương pháp này sẽ được ứng dụng cho bệnh nhân ung thư.

Theo T.TRÚC - Báo điện tử Cần Thơ (ABC)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video