Thắp sáng đèn led bằng khoai tây

Các nhà khoa học đang tiến hành một loạt các nghiên cứu để có thể tạo ra một loại pin mới với thành phần chính là… củ khoai tây.

Trong nhiều năm qua, nhà nghiên cứu Rabinowitch thuộc Đại học Hebrew ở Jerusalem cùng các đồng nghiệp đã bị thúc đẩy bởi ý tưởng sản xuất một nguồn “năng lượng khoai tây” để cung cấp cho những người bị cắt điện. Chỉ với một củ khoai tây cùng vài tấm kim loại rẻ tiền, dây điện và bóng đèn LED, các nhà khoa học lập luận rằng loại pin mới này có thể cung cấp ánh sáng đến những thị trấn và làng mạc ở khắp nơi trên thế giới.

“Một củ khoai tây có thể cung cấp năng lượng cho một bóng đèn LED hoạt động đến 40 ngày”, ông Rabinowitch tuyên bố.

Ý tưởng này nghe có vẻ vô lý, nhưng nó lại xuất phát từ những bằng chứng khoa học cụ thể. Các nhà khoa học cho biết để chế tạo ra pin khoai tây, chỉ cần 2 tấm kim loại: một anot với điện cực âm (có thể làm bằng kẽm) và một catot với điện cực dương (có thể làm bằng đồng). Axit bên trong khoai tây sẽ tạo ra phản ứng hóa học với kẽm và đồng, và năng lượng sau đó sẽ được giải phóng.


Các nhà khoa học đang cố tạo ra một nguồn điện áp thấp từ khoai tây - (Ảnh minh họa: BBC)

“Chúng tôi đã xem xét 20 loại khoai tây khác nhau, và tìm ra mức năng lượng được giải phóng do nhiệt”, nghiên cứu sinh Alex Goldberg thuộc trường Đại học California cho biết.

Kết quả thực nghiệm cho thấy khi khoai tây được luộc trong vòng 8 phút, các mô hữu cơ trong khoai tây bị phá vỡ, từ đó làm giảm đề kháng và cho phép các electron di chuyển tự do, kết quả là nhiều năng lượng hơn. Bên cạnh đó, có thể làm tăng lượng điện được giải phóng bằng cách cắt củ khoai ra thành 4-5 mảnh, rồi dùng các tấm kẽm và đồng kẹp vào. “Chúng tôi nhận thấy rằng có thể làm tăng lượng điện giải phóng ra gấp 10 lần, điều này sẽ rất kinh tế vì chi phí năng lượng sẽ giảm xuống”, ông Goldberg cho biết.

“Đây là loại điện áp thấp, nhưng đủ để tạo ra loại pin có thể sạc điện thoại di động hoặc máy tính xách tay ở những nơi không có điện lưới”, ông Robimowitch nói.

Phân tích về chi phí, các nhà khoa học cho rằng loại “pin khoai tây luộc” này có thể tạo ra nguồn năng lượng với mức giá 9 USD cho mỗi kWh, rẻ hơn đến 50 lần so với pin 1,5 volt AA hoặc pin D. Pin khoai tây cũng rẻ hơn loại đèn dầu hỏa được sử dụng nhiều ở các nước đang phát triển khoảng 6 lần.

Theo BBC, pin khoai tây có những lợi thế đáng kể sau. Nó là loại cây trồng không hạt số một thế giới với hơn 320 triệu tấn được sản xuất vào năm 2010. Nó phổ biến ở 120 quốc gia, và là nguồn tinh bột khổng lồ cho hàng tỉ người. Đặc biệt, khoai tây có giá rất rẻ và có thể bảo quản trong thời gian dài.

Thế nhưng, tại sao những 3 năm sau khi thí nghiệm được bắt đầu, các chính phủ, công ty hay tổ chức lại không có động tĩnh gì về việc này? “Câu trả lời đơn giản là họ thậm chí còn không biết về nó”, ông Rabinowitch cho biết. Nhưng có thể câu trả lời còn phức tạp hơn thế.

Đầu tiên, đó là vấn đề của việc biến một loại thực phẩm thành năng lượng. Theo chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nông lương LHQ Olivier Dubois thì việc sử dụng thức ăn làm năng lượng sẽ phải tránh làm suy giảm dự trữ lương thực. Bên cạnh đó, còn có một số hoài nghi về tính khả thi của điện khoai tây. “Việc tạo ra năng lượng từ khoai tây đồng nghĩa với đánh đổi với kim loại. Các tấm kim loại như kẽm sẽ bị ăn mòn theo thời gian”, giáo sư Derek Lovley tại Đại học Massachusetts cho biết.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận về ý tưởng về pin khoai tây này với những ưu điểm đơn giản và giá rẻ. Những người ủng hộ pin khoai tây chắc chắn sẽ còn tiếp tục nghiên cứu và phát triển chúng.

Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video