Thế giới kỳ ảo của khoa học sắp đến với trẻ Việt Nam

Ở góc này, cậu bé Joe, 5 tuổi, đặt quả bóng nhỏ lên đường ray, rồi chăm chú theo dõi nó chạy vòng vèo cho đến đích. Góc kia, chị cậu, Jeannie, 7 tuổi, đang miệt mài xoay tay quay để tạo ra mưa.

Đó là khung cảnh trong Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Questacon ở Canberra, Australia, niềm tự hào của xứ sở chuột túi. Qua nhiều năm nghiên cứu, xây dựng, họ đã biến những kiến thức khoa học thành các mô hình, thành những trò chơi dễ hiểu nhất, để trẻ em tiếp cận và say mê.


Cậu bé thích thú thả bóng và theo dõi chuyển động
của bóng theo đường ray trong Trung tâm Questacon.

Trong tòa nhà hình xoắn ốc, các mô hình được sắp xếp từ trình độ phổ thông đến nâng cao, để khách tham quan, đặc biệt là trẻ em, có thể đi từ những kiến thức đơn giản nhất rồi dần dần “nâng cấp”. Ngay lối vào là chú người máy có tên RoboQ, có thể trả lời những câu hỏi đơn giản, cười, nháy mắt, vòng tay ôm khách để chụp ảnh kỷ niệm. 

Gian trưng bày đầu tiên dành cho các máy móc cơ học, để các em tìm hiểu những nguyên tắc động lực học cơ bản nhất. Các em có thể thử ấn, đẩy, kéo, xoay vòng và nhấc các dụng cụ ở đây. Để giải thích cho trẻ em những ống hút gió có thể làm gì, người ta bố trí trên tường một hệ thống ống dẫn trong suốt ngoằn ngoèo, luồng khí được đặt đi từ phía dưới lên. Khi đưa những chiếc khăn xanh đỏ ở đầu các ống dẫn, luồng gió lập tức kéo chiếc khăn chạy vèo vèo lên phía trên và bay ra ở đỉnh. Mấy cô cậu bé khoảng 4-5 tuổi lúc đầu sợ hãi không dám lại gần, đến khi nhìn thấy các cô chú nhân viên thả khăn tài quá cũng nhặt thử mấy cái khăn nhét vào ống. Rồi chúng hét lên sung sướng khi mình cũng có phép màu làm khăn bay ngược lên trên, cười khoái chí tiếp tục nhặt, thả không ngừng nghỉ.


Nhiều bé mới 2-3 tuổi đã được đưa đến
Questacon để bắt đầu làm quen, tìm hiểu khoa học.

Bước thêm vài bước lên trên, người xem chợt giật mình vì tiếng ì ùng như sấm chớp ở đâu vọng lại, trong khi ngoài trời vẫn quang đãng. Hóa ra đó là tiếng của một cỗ máy khổng lồ tái hiện các bước lưu chuyển của nước. Từ bể đặt dưới mặt đất, nước gặp nóng bốc hơi lên tụ thành mây, mây tích điện chuyển mưa đổ xuống, làm chuyển động chiếc guồng quay (kiểu bánh xe nước giã gạo ở VN) và một cái máng “bập bênh” để tưới tắm cho cây cối, muôn loài.

Ở đây, trẻ em có thể tạo ra tiếng nhạc bằng… chân khi di chuyển trên hệ thống đèn cảm ứng. Chúng cũng được chứng kiến một nhân viên minh họa hoạt động phun trào của núi lửa bằng những vật dụng thô sơ như ấm nước, ống nhựa, xà phòng…

Một số bé ngạc nhiên mở to mắt ngắm chiếc máy to lớn vẽ ra những hình harmonograph kỳ ảo, hai tranh vẽ hai bên giống hệ nhau nhưng mỗi lần lại một khác, tùy thuộc hướng chuyển động của quả lắc. Mấy bé trai tò mò đi qua đi lại trước hai chú đà điểu và koala vẽ trên tường, không hiểu sao mình đến góc nào chúng cũng có thể đưa mắt nhìn theo mình như thế. Đến khi được giải thích mắt con vật được đặt chìm vào trong tường, cấu tạo theo kiểu 3D để tạo cảm giác chuyển động, chúng à lên thích thú.

Trẻ em và cả người lớn đến đây đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, và dường như không bao giờ nguôi niềm hứng khởi được tìm hiểu, khám phá. Diện tích mặt sàn chỉ 10.000m2, nhưng Questacon chứa đầy những điều thú vị.

Mỗi năm trung tâm đón gần nửa triệu lượt khách, hai phần ba trong số đó là trẻ em, đến tự mình sờ, chạm, tung, ném, cảm nhận và thấu hiểu từng kiến thức khoa học. Nếu các em không giải thích được tại sao lại có hiện tượng đó, sẽ có ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, và hơn hết là đội ngũ nhân viên thường xuyên túc trực giải thích luôn cho các em trên phương tiện trực quan. Nếu còn chưa thấy đủ để hiểu, các em có thể đọc những lời giải thích đặt ngay cạnh mô hình, hoặc truy cập website của Questacon để trả lời các câu đố.


Các nhân viên minh họa và giải thích hoạt động phun trào của núi lửa.

Trung tâm Questacon ở Australia được thành lập cách đây 25 năm, là kết quả hợp tác của Australia và Nhật Bản, cũng là một biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước. Trên thế giới có khoảng 2.400 trung tâm khoa học kiểu này, nhằm phổ biến khoa học thường thức cho trẻ em. Questacon còn thường xuyên mang triển lãm lưu động đến các trường phổ thông, các nhà thiếu nhi trên khắp đất nước.

Năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam, Trung tâm lần đầu đưa “khoa học thú vị” đến Việt Nam. Questacon sẽ mang 46 mô hình, bao gồm những trò cơ bản và ảo diệu nhất, trưng bày tại Hà Nội (từ 10 đến 13/4), Đà Nẵng (17-19/4), TP HCM (24-27/4). Trẻ em Việt sẽ được tiếp xúc với thế giới kỳ ảo của vật lý, hóa học, động lực học, sinh vật học, tự nhiên học… theo cách sinh động nhất, như lời Giáo sư Graham Durant – Giám đốc Questacon: “Khoa học là phải cảm nhận, thực hành, không chỉ học trên giấy”.

Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video