Các nhà khoa học đã chứng minh rõ ràng hơn về khả năng cực Nam của hành tinh bên cạnh Trái đất ẩn chứa một khoang nước ngầm rộng lớn - nơi NASA hy vọng có sự sống.
Theo SciTech Daily, một nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi Đại học Cambridge - Anh đã sử dụng dữ liệu đo độ cao bằng tia laser từ tàu vũ trụ để phát hiện ra các mô hình tinh té về chỏm băng ở cực Nam sao Hỏa.
Dữ liệu thực tế này đã chứng minh các mô hình máy tính trước đố dự đoán về một khối nước ngầm ngay bên dưới nắp băng địa cực này.
Dữ liệu từ cực Nam của sao Hỏa một lần nữa xác nhận sự tồn tại của các hồ nước ngầm - (Ảnh: UNIVERSITY OF CAMBRIDGE)
Phát hiện này cũng phù hợp với các kết quả từ radar xuyên băng trước đây, mà nhiều nhà nghiên cứu khắp thế giới đã chỉ ra là tín hiệu của nước lỏng theo dạng hồ ngầm giống những gì chúng ta tìm thấy ở Nam Cực của Trái đất.
Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Cambridge này, vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy, cung cấp bằng chứng độc lập đầu tiên cho thấy nước lỏng tồn tại dưới chỏm băng ở cực Nam sao Hỏa bằng cách sử dụng dữ liệu khác ngoài dữ liệu radar.
"Sự kết hợp của các bằng chứng địa hình mới, kết quả của mô hình máy tính của chúng tôi và dữ liệu radar làm tăng khả năng về một khu vực nước lỏng dưới băng tồn tại ngay trên sao Hỏa ngày nay và rằng sao Hỏa vẫn phải hoạt động về mặt địa nhiệt" - Giáo sư Neil Arnold từ Viện Nghiên cứu địa cực của Cambridge, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Trước đó, nhiều nghiên cứu, sử dụng bộ dữ liệu phong phú từ các tàu của NASA và ESA (cơ quan vũ trụ của Mỹ và châu Âu) đã cho thấy cực Nam hành tinh đỏ rất có thể sở hữu nước được giữ ở dạng lỏng nhờ độ mặn hoặc hoạt động địa nhiệt.
Đây cũng là nơi các nhà khoa học, bao gồm các nhà khoa học NASA, hy vọng rằng ẩn chứa một thế giới sự sống. Tuy hồ ngầm dưới băng nghe có vẻ khó sống, nhưng thực tế những năm gần đây, hàng loạt thế giới sự sống với những sinh vật cực đoan không cần ánh sáng hay nhiệt độ phù hợp, đã lộ diện ngay trên Trái đất, trong những hồ nước ngầm tương tự.