Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã phát triển một thiết bị cảm ứng dạng đeo bên người có thể phân tích nước bọt hoặc nước mắt.
Theo kênh truyền hình RT, Giáo sư Huanyu "Larry" Cheng – trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Bang Pennsylvania – cho biết thiết bị ứng dụng công nghệ vi mô và nano có khả năng cách mạng hóa việc theo dõi và điều trị một số bệnh lý nhất định. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí quốc tế Microsystems & Nanoengineering.
Thiết bị cảm ứng có thể phân tích mẫu nước mắt trong phút chốc. (Ảnh minh họa: RT)
Thiết bị mới có tên gọi Tiny có thể được đặt gần mắt hoặc miệng để phân tích chất thải sinh học, từ đó có thể theo dõi bệnh tình bệnh nhân mà không cần mất nhiều thời gian chờ đợi xét nghiệm ở phòng khám. Kết quả sẽ được hiển thị trên điện thoại di động hoặc màn hình thiết bị y tế kèm theo.
Theo Giáo sư Cheng, thiết bị này có thể theo dõi tiến triển của bệnh từ lở loét đến ung thư vòm miệng cũng như các bệnh lý nhiễm trùng mắt như viêm giác mạc.
Không chỉ thu thập dữ liệu về bệnh nhân, Tiny còn có thể cấp thuốc cho bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp thông qua một miếng dán vi kim được đặt trên da quanh mắt hoặc miệng.
“Chúng tôi có thể thăm dò tế bào để cung cấp các loại thuốc phân tử nhằm điều trị theo một quy trình hiệu quả ở cấp độ tế bào”, Giáo sư Cheung nói thêm thiết bị có thể đủ khả năng truy cập vào thông tin mã hóa và gene trên tế bào.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra ưu điểm của thiết bị này là dễ mang theo người và là một lựa chọn tiết kiệm chi phí cho các bệnh nhân.