Việc phát hiện ra xương và ngà voi có từ cách đây 400.000 năm tại Anh chứng tỏ người cổ đại đã mổ voi để lấy thịt ăn.
Nhà khảo cổ phân tích ngà voi. (Ảnh: BBC) |
Bằng chứng sớm nhất về thời kỳ đồ đá này đã được hé lộ khi người ta đang tiến hành xây dựng con đường Southfleet Road ở Ebbsfleet, Kent. Cuộc khai quật làm lộ ra bộ xương của một loài voi đã tuyệt chủng (Palaeoloxodon antiquus) nằm bên rìa của nơi từng là một cái hồ nhỏ.
Các công cụ bằng đá nằm rải rác xung quanh, cho thấy con vật đã bị mổ xẻ bởi một bộ tộc người cổ đại vào thời đó, tên là Homo heidelbergensis.
"Đây là bãi mổ voi cổ nhất ở Anh", Francis Wenban-Smith tại Đại học Southampton phát biểu. "Thực tế đây là nơi duy nhất ở Anh và rất hiếm khi tìm thấy bằng chứng nguyên vẹn như thế".
Tiến sĩ Wenban-Smith tin rằng con voi, có kích cỡ gấp đôi những con ngày nay, có thể đã bị hạ bởi một nhóm thợ săn trang bị giáo mác làm bằng gỗ.
"Họ có thể đã săn lùng con vật hoặc tìm thấy nó trong tình trạng bị thương và giết chết", ông giải thích. "Sau đó họ đi tìm những công cụ bằng đá gần đó và bu lấy xung quanh con vật, xẻ thịt rồi mang những tảng thịt lớn về lều trại của mình".
Con voi có thể đã được ăn sống bởi không có bằng chứng về việc dùng lửa để nấu nướng vào thời đó.
Những cư dân săn bắt hái lượm có thể cũng đã xơi nhiều loài động vật to lớn khác căn cứ trên xương trâu, tê giác, hươu và ngựa được tìm thấy ở quanh.
Xác của con vật bao gồm một phần của thân trên, xương sọ, 2 chi trước, ngà và một số răng đã được đưa về Bảo tàng Lịch sử tự nhiên để phân tích.