Thổ Nhĩ Kỳ: Đập thủy điện tỉ USD nuốt chửng "kho báu" quốc gia

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang quyết tâm đưa đập thủy điện Ilisu đi vào hoạt động toàn diện, tạo ra lượng điện lên tới 1.200MW, nhưng các nhà khảo cổ nói con đập sẽ nhấn chìm cả một kho báu quốc gia.

Theo Daily Shabah, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12.6 đã khởi động tổ máy thứ ba của đập thủy điện Ilisu. Con đập được xây dựng trên sông Tigris, ở phía đông nam tỉnh Mardin.


Đập thủy điện Illisu nằm trên con sông Tigris.

Toàn bộ chi phí xây dựng đập lên tới 1,7 tỉ USD, tích trữ tới 10 tỷ m3 nước với 6 tổ máy phát điện tạo công suất 1.200MW. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến con đập sẽ tạo ra nguồn lợi 412 triệu USD/năm cho nền kinh tế.

Mặt trái của dự án xây đập thủy điện Ilisu – con đập lớn thứ tư ở Thổ Nhĩ Kỳ là nó nhấn chìm hoàn toàn thung lũng Hasankeyf – vùng đất có bề dày lịch sử 10.000 năm, khiến gần 70.000 người phải di dời, theo New York Times.

Bất chấp sự phản đối của người địa phương và cộng đồng quốc tế, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đưa đập thủy điện Ilisu vào hoạt động kể từ tháng 5/2020, khiến mực nước dâng cao nhấn chìm thung lũng Hasankeyf.


Thung lũng Hasankeyf với những ngôi làng cổ đã bị nước sông Tigris nhấn chìm.

Vùng đất vẫn còn nhiều di tích khảo cổ chưa được khám phá giờ đây chịu chung số phận với nông trang và nhà cửa của người dân địa phương. Tất cả đều bị “nuốt chửng” dưới mặt nước hồ thủy điện.

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn nút mở tổ máy phát điện đầu tiên, ông nói đập Ilisu đem đến hòa bình và thịnh vượng cho vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Con đập không chỉ đóng góp khoản ngân sách đáng kể cho nền kinh tế mà còn cung cấp nước cho hàng nghìn hecta đất nông nghiệp, ông Erdogan nói.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ coi đập Ilisu là công trình xanh, giúp đất nước hạn chế sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu than đá, khí đốt.


Người dân ở Hasankeyf thu dọn đồ dạc dời đi nơi khác.

Nhưng với những người bị mất nhà cửa thì đó là sự kiện đầy cay đắng và đau thương. Các nhà khảo cổ và môi trường cũng tràn trề thất vọng vì con đập đã nhấn chìm khu vực khảo cổ đầy giá trị và kho báu quốc gia ẩn chứa bên dưới, bao gồm các di sản quốc gia như cung điện cổ, nhà thờ hay cây cầu bắc qua sông Tigris lớn nhất thời Trung Cổ.

Zeynep Ahunbay, nhà hoạt động phản đối dự án xây đập từ hơn một thập kỷ trước, nói: “Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Tigris là tội ác. Cả một thung lũng lịch sử bị nhấn chìm dưới nước”.

Đối với dự án xây đập Ilisu, tiền không phải vấn đề. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho xây dựng 2 thị trấn hoàn toàn mới, xây thêm đường cao tốc và cầu tránh hồ thủy điện để làm nơi ở mới cho người dân.

“Họ đã chi một khoản tiền khổng lồ để xây đập, xây thị trấn làm nơi tái định cư, xây thêm cơ sở hạ tầng”, nhà hoạt động Emin Bulut nói. “Với số tiền đó, họ có thể đầu tư cho cả khu vực miền nam”.


Toàn bộ thung lũng Hasankeyf ngập trong nước.

“Chúng tôi không thể làm gì khác khi người của chính phủ đến đo đạc địa giới”, Birsen Argun, 44 tuổi, người sở hữu khách sạn duy nhất ở Hasankeyf nói.

“Chồng tôi cố thuyết phục họ hàng không nhận tiền đền bù, nhưng mọi người cứ âm thầm đồng ý rồi rời đi”, Argun nói. Các cuộc biểu tình của người dân địa phương không tạo ra được sự phản đối đủ lớn.

“Đó là lý do chúng tôi thất bại”, Arif Ayhan, 44 tuổi, nói. “Chúng tôi sống ở một trong những nơi đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi không biết trân trọng những giá trị của nơi này”.

Có mặt ở con đập, Hezni Aksu, 60 tuổi, nhìn dòng nước nhấn chìm nhà cửa, đất đai. “Vùng đất này là của tổ tiên chúng tôi”, Aksu nói trong cay đắng. “Họ đã biến chúng tôi thành dân di cư”.

Cập nhật: 14/07/2020 Theo Dân Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video