Thời tiết khắc nghiệt, Nhật bổ sung thuật ngữ "ngày nắng thảm khốc"

Nhiệt độ ban ngày trên 40 độ C từng là điều hiếm thấy ở Nhật Bản. Thế nhưng, mức nhiệt này giờ phổ biến tới mức chuyên gia phải tìm thuật ngữ mới để mô tả hiện tượng đó.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hiện phân loại ngày nào có nhiệt độ trên 35 độ C là “moshobi”, tức là “ngày nóng khủng khiếp”. Còn ngày nào có nhiệt độ ban đêm trên 25 độ C là “nettaiya”, tức là “đêm nhiệt đới”, theo South China Morning Post.

Tuy nhiên, những thuật ngữ này không còn phản ánh đầy đủ tình hình nữa khi Nhật Bản vừa trải qua tháng 6 có nhiệt độ cao kỷ lục kể từ năm 1875, với các vùng ở tỉnh Gunma là 40,2 độ C. Tháng 6 năm nay cũng là lần đầu tiên Nhật Bản có ngày ghi nhận mức nhiệt vượt quá 40 độ C trong tháng.

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong mùa hè này, các chuyên gia Nhật Bản đang đề xuất những thuật ngữ phân loại mới để mô tả chính xác hơn cường độ của hiện tượng thời tiết này.

Không chỉ là thuật ngữ

Sau khi thăm dò ý kiến của 130 nhà dự báo thời tiết và chuyên gia, Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản đề xuất về ngưỡng nhiệt khắc nghiệt hơn. Họ cho rằng nhiệt độ trên 40 độ C sẽ gọi là “kokushobi”, tức là “ngày nắng nóng thảm khốc”, trong khi đêm có mức nhiệt không dưới 30 độ C mô tả là “chounettaiya”, tức “đêm siêu nhiệt đới”.

Hiệp hội thời tiết nói rằng các đề xuất thay thế cũng sẽ bao gồm thuật ngữ: “những ngày nóng như đổ lửa”, “những ngày như thiêu đốt” và “những đêm nóng bỏng như nước sôi”.


Máy phun sương ở Tokyo hôm 1/8. Giới chức kêu gọi công chúng giữ cơ thể đủ nước và đề phòng say nắng, đồng thời để mắt đến hàng xóm cao tuổi trong những ngày nóng đỉnh điểm. (Ảnh: Kyodo).

“Trước đây, nhiệt độ 40 độ C là điều chưa từng xảy ra, nhưng hiện nay nó không còn là chuyện lạ nữa”, Kimiko Naraoka - nhà dự báo thời tiết của Nippon Television - cho biết. “Giờ đây, điều cần thiết là phải thông báo cho mọi người rằng mọi thứ không chỉ dừng lại ở một ngày cực kỳ nóng bức”.

“Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều ngày như vậy nữa trong tương lai, khiến mọi người khó chìm vào giấc ngủ”, bà nói thêm. “Nhưng tôi vẫn hy vọng chúng ta sẽ không phải dùng những thuật ngữ này quá thường xuyên”.

Takeshi Tendachi - thành viên hiệp hội và là nhà dự báo thời tiết tại Fuji TV - thừa nhận nhiệt độ tăng cao trên khắp thế giới là vấn đề nghiêm trọng đáng lo ngại.

“Đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu vào mùa hè này là vấn đề không của riêng ai”, ông nói. “Chúng ta nên đối phó với nhiệt độ ở mức thảm họa trong tương lai như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể tránh cho người già bị sốc nhiệt kể cả khi đã ở trong nhà vào ban đêm? Tôi rất lo lắng. Điều quan trọng là chúng ta cần phải cảnh báo mối nguy cho mọi người”.

"Kỷ lục có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào"

Theo hiệp hội, Nhật Bản chỉ chứng kiến 67 lần nhiệt độ vượt quá 40 độ C kể từ năm 1875. Tuy nhiên, trong 125 năm đầu, chỉ có 8 lần ghi nhận mức nhiệt này. Điều đó có nghĩa kể từ năm 2000 trở đi, Nhật Bản ngày càng thường xuyên ghi nhận mức trên 40 độ C.

Tốc độ tăng nhiệt cũng gia tăng, với 40 báo cáo vượt ngưỡng 40 độ C kể từ năm 2018. Mức nhiệt cao nhất Nhật Bản ghi nhận là vào năm 2018, khi tỉnh Saitama có khu vực lên tới 41,1 độ C. Tỉnh Shizuoka, phía tây nam Tokyo, cũng trải qua mức nhiệt này hồi năm 2021. Hiệp hội cảnh báo “kỷ lục này có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào”.


Chính phủ Nhật Bản hôm 8/8 cảnh báo về "cái nóng oi ả" trên khắp cả nước trong tuần tới. (Ảnh: Kyodo).

Chính phủ Nhật Bản hôm 8/8 cảnh báo về "cái nóng oi ả" trên khắp cả nước trong tuần tới. Giới khí tượng dự báo nhiệt độ trên 36 độ và độ ẩm tăng cao. Cả hai yếu tố này đều cao hơn mức trung bình cùng thời điểm trong năm.

Giới chức kêu gọi người dân duy trì đủ nước uống và đề phòng say nắng, đồng thời để mắt đến những người hàng xóm cao tuổi. Họ cũng khuyến cáo công chúng không nên cố chịu đựng cái nóng khắc nghiệt để tiết kiệm tiền, trong bối cảnh chi phí năng lượng ngày càng tăng. Thay vào đó, họ nên chỉnh điều hòa ở chế độ mát hơn và ngồi trực tiếp dưới luồng gió mát.

Nhu cầu sử dụng điện đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong mùa hè này. 52.700 megawatt tiêu thụ trong một ngày vào cuối tháng 6 vượt xa mức cao kỷ lục trước đó là 47.300 megawatt vào mùa hè năm 2018.

Để đối phó với nhu cầu điện tăng cao, chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh nỗ lực đưa một số lò phản ứng hạt nhân trở lại hoạt động, 11 năm sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima Daiichi.

Cập nhật: 10/08/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video