Thôn Tây Đệ và Hoành Thôn ở An Huy

Di sản văn hóa thế giới tại Trung Quốc

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Thôn Tây Đệ và Hoành Thôn ở An Huy là Di sản văn hóa thế giới năm 2000.

Thôn Tây Đệ nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc. Huyện được thành lập từ thời nhà Tần nhưng mãi đến thời Bắc Tống thôn mới được xây dựng. Thôn Tây Đệ bốn mặt đều giáp núi. Nước trong thôn trong xanh, cây cối um tùm, tường nhà màu trắng, mái ngói có màu đen đặc trưng. Những ngôi nhà cổ ở đây được xây hoặc liền sát nhau hoặc được xây tách rời độc lập. Các ngôi nhà đều có giếng trời, bốn mặt xung quanh có tường bao bọc, người xưa thiết kế nhà theo cách để không khí vào trong nhà theo giếng trời, xung quanh tường không có cửa sổ, nếu có thì cũng rất nhỏ và ở trên cao. Tường và mái của các giếng trời đều nghiêng vào trong mảnh đất để nước mưa chảy vào trong, ngụ ý nước non phì nhiêu không chảy ra ngoài.

Hoành thôn cũng nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc. Những ngôi làng cổ ở Hoành Thôn có thể coi là minh chứng sinh động cho kiểu mẫu định cư mang tính tổ chức cao tại 1 thuộc địa trong thời kỳ phong kiến và còn là nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh nền kinh tế trao đổi mậu dịch nơi đây. Thông qua những toà nhà xây dựng và mô hình phố xá của họ, hai ngôi làng nằm tại phía Nam An Huy như Tây Đệ và Hoành Thôn đã phản ánh cơ bản cách tổ chức, cơ cấu nền kinh tế xã hội dưới một thời kỳ ổn định lâu dài của lịch sử Trung Hoa.

Năm 2000, cùng với khu di tích thôn cổ Tây Đệ, Hoành Thôn đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi 2 thôn cổ này ghi dấu ấn hình ảnh của một làng quê mang đậm phong cách Trung Quốc: đường cổ, cầu cổ, bia cổ, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ...

Thôn Tây Đệ cho đến nay vẫn được mệnh danh là "ngôi làng trong Đào Nguyên Minh". Tương truyền ông tổ của thôn này là Hồ Thị Thủy, con của Đường Chiêu Tông, do đi lánh nạn, lưu lạc khắp nơi cuối cùng tìm về thôn và sống tại đây, đổi thành họ Hồ. Theo sử sách ghi lại thì thôn Tây Đệ được xây dựng theo tính toán và chỉ dẫn của thầy địa lý. Thôn có hình dáng của một con thuyền dài 700 mét, rộng 300 mét. Theo thầy địa lý giải thích thì việc xây dựng thôn theo hình con thuyền có ngụ ý "trôi theo dòng nước về phía Tây sẽ được các vị thần giúp đỡ lấy chân kinh, từ đó sẽ đại cát đại lợi".

Thôn Hoành lại có hình con trâu, có hệ thống nước nhân tạo và những khu vườn rất độc đáo được mệnh danh là "Ngôi làng trong tranh". Thôn được xây dựng năm 1131 đời Nam Tống với hơn 800 năm lịch sử, tên cũ là Hoằng thôn, sau vì kiêng tên húy "Hoằng Lịch" của Càn Long mới đổi là "Hoành". Nhìn từ trên cao xuống, ngôi làng trông như một con trâu đang nằm trên vùng đất có núi và nước. Ngọn núi Lôi Cương là đầu con trâu, hai cây cổ thụ là hai sừng con trâu, những ngôi nhà cổ sắp xếp trật tự dưới chân núi là mình trâu, bờ đê hình bán nguyệt giữa làng là dạ dày con trâu. Kênh rạch rộng 1m, dài hàng km chạy quanh co các ngôi nhà để dẫn nước suối vào nhà, chạy qua bờ đê giống như ruột trâu. Bố cây cầu bắc qua suốt là 4 móng của con trâu. HIện nay ở thôn Hoành có khoảng 137 ngôi nhà cổ từ đời nhà Minh – Thanh được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh, mỗi một ngôi nhà có một phong cách khác nhau.

Cả hai thôn Tây Đệ, Hoành Thôn đều có nét văn hóa truyền thống rất đặc trưng. Ở đây, truyền thống gia đình và luật lệ của thôn làng rất được xem trọng. Cả làng là một tổ chức xã hội trong đó có những thị tộc, những dòng họ lớn nhỏ. Trước kia người dân tại làng cổ sinh sống chủ yếu dựa vào việc sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống.

Hiện nay, cảnh quan chung của cả làng cổ này gần như vẫn giữ được nguyên trạng. Những con đường nhỏ dẫn vào từng ngõ, xóm cho đến từng ngôi nhà, hồ nước, cây cầu đều được bảo tồn tốt. Điều đặc biệt là mặc dù dân số tăng nhanh, song không vì thế mà hai thôn Tây Đệ, Hoành Thôn mất đi vẻ yên ả, tĩnh lẵng vốn có từ hàng trăm năm qua. Du khách thăm quan hai làng cổ này vẫn cảm nhận được vẻ tĩnh lặng, yên bình trên từng con đường, hàng quán và cả khi dạo chơi ngắm cảnh bên bờ hồ.
Nhiều nhà quy hoạch đã phải ngạc nhiên trước sự tài tình, khéo léo của các bậc tiền bối xưa khi có thể tạo nên một đô thị mà trong đó có cả sự hài hòa về không gian sinh hoạt kết hợp với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thôn Tây Đệ và Hoành Thôn ở An Huy được Unesco công nhận theo các tiêu chí (iii), (iv), (v).

Tiêu chuẩn (iii): Các làng, thôn xóm ở Hoành Thôn và Tây Đệ là những ví dụ điển hình cho việc con người đã biết dựa vào kinh tế và thương mại để tạo nên sự thịnh vượng.

Tiêu chuẩn (iv): Cuộc sống của người dân và những kiến trúc nhà cửa tại Thôn Tây Đệ và Hoành Thôn ở An Huy là một minh chứng cho một giai đoạn lịch sử dài của Trung Quốc.

Tiêu chuẩn (v): Các làng, khu định cư tương tự như Thôn Tây Đệ và Hoành Thôn ở An Huy đã mất dần trong quá trình phát triển của xã hội Trung Quốc, nhưng hai thôn là Thôn Tây Đệ và Hoành Thôn vẫn được bảo tồn và gìn giữ chính là những di sản có giá trị đặc biệt quan trọng.

Cập nhật: 19/01/2016 Theo disanthegioi.info
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video