Thú chơi máy tính kỳ dị ở Việt Nam

Một chiếc ôtô đồ chơi, một vật dụng gia đình hay chỉ là những thứ cóp nhặt được từ phế thải công nghiệp đều có thể trở thành vỏ máy tính. Với dân "mod case", chiếc máy tính không đơn thuần là công cụ làm việc. 

Chiếc xe hơi-máy tính. Ảnh: ITConnect.

"Mod case" hay "độ case" là cách gọi của dân mê máy tính về việc sửa lại hoặc tự chế vỏ máy theo thiết kế độc đáo riêng mình, hoặc đơn thuần chỉ để tiện dụng hơn khi làm việc. Trên thế giới, thú chơi này khá phổ biến trong dân chơi công nghệ và mới xuất hiện ở Việt Nam gần đây. Cộng đồng những người thích mod case vẫn còn ít, thường giao lưu với nhau tại các diễn đàn về công nghệ thông tin như Amtech-VN.com, VozForum.com hoặc Xtremevn.com.

"Dân chơi máy tính thường chia thành 2 kiểu: chơi đồ hiệu hoặc tự chế đồ độc", anh Vũ Thành Công, Giám đốc Công ty XSoft Game chuyên bán đồ "độ case" ở Hà Nội, nói. "Nói chung đồ hiệu thì đắt, chủ yếu dành cho những người có thu nhập cao. Có những vỏ máy lên đến hàng trăm USD so với loại 10-20 USD thông thường tại các cửa hàng máy tính. Bù lại chúng được thiết kế đẹp, có sẵn không gian để gắn thêm đồ nên không mất nhiều thời gian chế tác. Chơi đồ độc là tự mình chế từ đầu đến cuối, rất mất thời gian và đòi hỏi nhiều công sức. Cách chơi này thích hợp hơn đối với giới trẻ khéo léo, thích sáng tạo".

Theo lời của dân mod case, khoảng 4 năm trước, một người có tên Phương "PC Toys" (Hà Nội) từng làm một chiếc vỏ máy tính hoàn toàn bằng gỗ khảm trai mang hình dáng một chiếc tủ chè. Đây được coi là một trong những chiếc vỏ thủ công đầu tiên tại Việt Nam. Điều đáng tiếc là chiếc case này đã chu du sang Đức theo một khách hàng của anh Phương và tác giả không còn lưu giữ được tấm hình nào của nó.

Mẫu máy "Nhà máy điện nguyên tử". Ảnh: ITConnect.

Chiếc máy tính khá nổi tiếng trong giới mod case hiện nay là bộ Nhà máy điện nguyên tử của Nguyễn Thụy Linh (Hà Nội), người vừa đoạt giải nhất cuộc thi mod case Crazy PC hồi tháng 6.

"Chiếc case đó được bắt đầu làm từ trước khi Linh có máy tính. Hồi đó thiếu tiền quá nên nghĩ tự làm vỏ máy cho mình. Nhưng đến khi đủ tiền mua máy mà case vẫn chưa xong", Linh nói.

Chàng sinh viên năm thứ 4 Đại học Kiến trúc Hà Nội này kể rằng anh đã nhiều lần cùng bạn sang khu bãi rác công nghiệp ở Bắc Ninh để tìm đồ lắp máy. Lý do thứ nhất vì ở đó dễ kiếm được những thứ độc đáo. Thứ hai là mua những đồ đó ở bãi rác thì rẻ. Tuy nhiên, mọi thứ mua về đều phải "chế tác" lại mới có thể dùng được. Sau 6 tháng "thi công", "nhà máy điện nguyên tử" của Linh cũng định hình từ những thứ cóp nhặt được. Dù tiết kiệm như vậy, khi tính toán lại tiền "mua sắm linh tinh" cho chiếc vỏ máy lên tới hơn 3 triệu đồng.

Cũng sở hữu một chiếc máy tính "độc nhất vô nhị", anh Nguyễn Trọng Hùng (Hà Nội) cho biết anh chỉnh sửa chiếc vỏ máy tính theo nhu cầu làm việc của mình. Vốn nổi tiếng trong giới game thủ với tên Hùng Warcraft vì chuyên phân phối CD key game này tại 2 miền Nam - Bắc, anh thường xuyên phải tháo lắp tráo đổi ổ cứng để lấy dữ liệu. Vì thế, Hùng quyết định thay đổi gần như toàn bộ thiết kế của vỏ case, chuyển gá lắp ổ cứng thành ổ trượt nằm ngang.

"Chắc chắn cái case của tôi không đẹp, nhưng tôi rất thích vì tự tay làm từ đầu đến cuối. Đầu tư hết 100 nghìn đồng và 1 tuần hý hoáy, nó rất tiện dụng trong công việc", Hùng hào hứng nói. Anh cho biết đang chế lại mặt vỏ của chiếc máy với hình ảnh từ trò chơi Warcraft III.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Máy tính sẵn sàng tháo lắp. Ảnh: H.H.

Nếu phân loại, người chơi case sẽ có 3 nhóm. Đầu tiên là dân "độ đồ", mua sẵn case đắt tiền rồi mua thêm linh kiện để lắp vào. Những thương hiệu nổi tiếng về phụ kiện chuyên dụng để mod case như Thermaltake, CoolerMaster... đã có đại diện phân phối tại Việt Nam. Từ vỏ case chuyên để mod cho đến từng chiếc đinh ốc có hình thù đặc biệt, dây cáp phản quang để trang trí cho máy tính. Thậm chí có cả loại dầu dùng cho tản nhiệt nước được pha màu để hiện màu sắc khác nhau dưới ánh sáng cực tím. Nhóm người chơi này không nhiều lắm vì giá vỏ máy và linh kiện đồ hiệu khá đắt. 

Nhóm thứ hai đòi hỏi nhiều công phu hơn, chế tạo vỏ máy tính nguyên thuỷ từ đầu đến cuối hoàn toàn từ nguyên liệu thô như tre, gỗ, ... Những tác phẩm kiểu này rất đặc biệt, đòi hỏi người chơi phải có đầu óc thiết kế và kỹ năng cơ khí. Đây là kiểu chơi chuyên nghiệp nhất và cũng là khó nhất, ở Việt Nam ít phổ biến vì thiếu nguyên vật liệu cũng như dụng cụ thực hiện.

Một nhóm khác tìm cách tiết kiệm hơn, sửa lại những vỏ máy tính cũ theo thiết kế của riêng mình. Những vỏ máy chủ cũ được dân mod case ưa chuộng nhất vì kích thước lớn, nhiều không gian để "bày vẽ" bên trong. Vỏ server cũ thường được rao bán với giá khoảng 100.000 đồng mỗi chiếc. Trên đó đã có những khe cắm, lỗ vít theo đúng tiêu chuẩn để gắn bo mạch cùng các thiết bị phụ kiện lên. Người chơi chỉ cần sửa lại "mặt tiền", gắn thêm đèn, đi lại cáp và bổ sung quạt là có được chiếc case máy tính hoành tráng mà lại "không giống ai".

Linh kiện đặc biệt dành cho dân mod case. Ảnh: H.H.

Hầu hết "chuyên gia" trong giới mod case đều cho rằng kiểu chơi thứ ba tiết kiệm và đang phổ biến nhất tại Việt Nam bởi phù hợp về điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật. Người chơi có thể từng bước "nâng cấp" vỏ máy theo điều kiện của mình. Bước đầu chỉ đơn giản làm lại cánh cửa bên cạnh (side-windows) của máy tính bằng mica, gắn thêm đèn, quạt tản nhiệt, v.v...

Việc tiến đến những thiết kế khó hơn đòi hỏi người chơi khá nhiều kỹ năng. Đầu tiên là phải có đầu óc về thiết kế công nghiệp để sắp xếp linh kiện như bo mạch, chip, quạt... vào một không gian đặc biệt mà vẫn đảm bảo lưu thông dễ dàng các luồng khí để tản nhiệt. Ngoài ra tay nghề cơ khí đóng vai trò quan trọng khi triển khai thiết kế bởi mỗi linh kiện máy tính đều có tiêu chuẩn sẵn. Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện thiếu thốn dụng cụ chuyên dụng.

"Khi bắt đầu chơi mod case, việc tham khảo tại các diễn đàn rất cần thiết. Có nhiều website nước ngoài hướng dẫn tỉ mỉ các thao tác từ mới vào nghề cho đến khi hoàn thiện một sản phẩm như Bit-Tech.com, FrozenCpu.com hoặc SideWinderCompter.com", anh Công nói.

Theo anh Công, hiện phong trào mod case ở Việt Nam cũng vẫn ở giai đoạn bắt đầu. Các mẫu máy chủ yếu là sơn lại màu, vẽ lại cửa, chơi đèn, gắn quạt tản nhiệt, nguồn đặc biệt vào case sẵn có chứ chưa có những tác phẩm thực sự ấn tượng. Ngay cả mẫu của Thụy Linh đoạt giải nhất CrazyPC vừa rồi cũng không đạt yêu cầu về cách đi dây dẫn trong máy, mặc dù thiết kế và ý tưởng của Linh rất tuyệt vời.

Tác giả của chiếc case bằng gỗ khảm đầu tiên thì cho rằng điều quan trọng nhất là có một ý tưởng để triển khai. "Dù có những khó khăn về vật liệu, dụng cụ, nhưng nếu có ý tưởng độc đáo thì vẫn có thể có được sản phẩm không thua kém nước ngoài", anh Phương nói. Anh cho biết hiện đang triển khai dự án mới đưa máy tính vào chiếc xe tay ga của mình, dự kiến đến khoảng tháng 10 sẽ hoàn tất.

Hạ Thảo

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video