Thuốc Berberin là gì? Tác dụng của Berberin với sức khỏe ra sao?

Berberin – một cái tên không xa lạ mỗi khi bạn “kết thân” với Tào Tháo.

Bạn có biết nó  đã được sử dụng để điều trị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn, tiêu chảy và các bệnh tiêu hóa khác trong hơn 1000 năm.

Berberin là gì?

Berberin là loại thuốc có hoạt tính kháng sinh chống viêm. Berberine là một alkaloid được chiết xuất từ cây Hoàng đằng (còn có tên vàng đắng, hoàng liên, tên khoa học là Coptis teet) là loại cây dây leo thân gỗ có phân nhánh, mọc hoang ở nhiều nơi. Trong Hoàng đằng có nhiều alkaloid dẫn xuất của izoquinolein, chủ yếu là Berberin tỷ lệ từ 1,5 đến 2-3%. Alkaloid berberine có thể được tìm thấy trong thân cây, vỏ cây, rễ và thân rễ (thân cây dưới lòng đất) của cây.


Berberin có nguồn gốc thảo dược, được chiết xuất từ rễ và thân cây vàng đắng.

Công dụng của thuốc Berberin

Berberin điều trị nhiễm khuẩn đường ruột và không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột. Một số kháng sinh đường ruột nếu dùng phối hợp với berberin sẽ hạn chế được tác dụng phụ gây ra bởi các thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh vật đường ruột.

Thuốc Berberin được chỉ định điều trị với hội chứng lỵ, bệnh lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột, viêm ống mật.

Berberin còn được bào chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc, đau mắt đỏ do kích thích bên ngoài như (gió, nắng, lạnh, bụi, khói...) và điều trị bệnh đau mắt hột. Ngoài ra, thuốc còn giúp ngăn ngừa nhiễm nấm, bội nhiễm nấm và có tác dụng chống lại tác hại của vi khuẩn tả và E.coli ngoại độc tố bền với nhiệt.

Liều dùng

  • Người lớn: bạn uống 4-6 viên 50mg hoặc 1-2 viên 100mg mỗi lần, 1 ngày 2 lần.
  • Trẻ em: tuỳ theo độ tuổi của trẻ mà bạn cho trẻ dùng từ 1/2-3 viên 50mg mỗi lần, 1 ngày 2 lần.

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc. Thời gian dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm amip, sẽ do bác sĩ điều trị quyết định.

Cách dùng

Bạn nên uống thuốc một lần vào buổi sáng trước bữa ăn, và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Khi uống, nếu có dùng thêm thuốc khác, bạn nên uống cách xa 1-2 giờ.

Bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định. Sử dụng thuốc quá liều sẽ gây hại tới vị do tính quá hàn của berberin, làm cho tiêu hóa kém đi. Lúc này, bạn ngừng dùng thuốc và uống gừng hoặc viên gừng.

7 tác dụng khác của berberin với sức khỏe

1. Có khả năng điều trị tiểu đường

Bệnh tiểu đường ngày càng trở nên phổ biến hơn và tỉ lệ bệnh nhân càng ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến những hệ quả vô cùng lớn đối với sức khỏe cá nhân và áp lực xã hội.

Vì thế, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến cách phòng ngừa và điều trị bệnh một cách thận trọng, sau khi phát hiện có bệnh tiểu đường thì càng cần phải nhanh chóng điều trị kịp thời, như vậy mới đảm bảo được việc ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và biến chứng.

Các nghiên cứu cho thấy berberine có thể làm giảm lượng đường trong máu, giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường type 2 và các biến chứng của nó, như biến chứng về tim mạch và thần kinh ngoại biên.

Bạn biết metformin dùng để điều trị tiểu đường chứ? Một kết quả nghiên cứu cho thấy việc dùng 500mg berberin từ 2-3 lần mỗi ngày trong vòng 3 tháng có hiệu quả tương đương với việc sử dụng metformin trong việc kiểm soát đường máu và chuyển hóa lipid. Các nhà nghiên cứu mô tả berberin là một “tác nhân hạ đường huyết mạnh". Nó cải thiện sự hấp thu glucose và cải thiện độ nhạy insulin bằng cách điều chỉnh bài tiết adipokine. Nhờ tác động của nó đối với độ nhạy insulin, tác dụng chống bệnh tiểu đường này cũng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thận.

2. Làm giảm cholesterol máu

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Metabolism cho thấy berberine làm giảm cholesterol và triglyceride máu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Trong khi việc điều trị cholesterol máu cao bằng statin gặp nhiều tác dụng phụ trong đó có làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 thì berberin lại có tác dụng ngược lại là giảm đường máu.

Một nghiên cứu khác cho thấy việc sử dụng gạo men đỏ lên men (nổi tiếng với khả năng giảm cholesterol một cách tự nhiên) kết hợp với berberine có thể có tác dụng giảm cholesterol mạnh hơn với ít nguy cơ tác dụng phụ hơn so với dùng statin. Berberine cũng đã được chứng minh là làm giảm lượng chất béo cao bất thường trong máu bằng cách thúc đẩy sự đào thải cholesterol tại gan và ức chế sự hấp thu cholesterol ở ruột.

3. Chống béo phì

Các biện pháp sử dụng thuốc giảm cân có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và tác dụng vẫn còn hạn chế, do vậy đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào việc tìm ra các phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh béo phì – bao gồm cả thuốc chống béo phì từ các sản phẩm tự nhiên.

Nói về béo phì, berberin có liên quan đến cản trở sự phát triển của các tế bào mỡ ở cấp độ phân tử.

Trong một nghiên cứu thí điểm được công bố trên Phytomedicine, những người béo phì (da trắng) được cho 500 mg berberin uống 3 lần mỗi ngày trong tổng số 12 tuần. Hiệu quả và độ an toàn của việc điều trị được xác định bằng cách đo trọng lượng cơ thể, trao đổi chất toàn diện, lipid máu và mức độ hormone, mức độ biểu hiện của các yếu tố viêm, công thức máu và điện tim. Nhìn chung, nghiên cứu này đã chứng minh rằng berberin là một hợp chất hạ lipid mạnh có tác dụng giảm cân vừa phải.

4. Hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer

Có nhiều nghiên cứu đã đánh giá khả năng trị liệu của berberin chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, Parkinson. Một nghiên cứu thấy rằng berberin có nhiều tác dụng tích cực, một số trong đó là tăng cường các yếu tố bảo vệ thần kinh và chống thoái hóa thần kinh.

Các kết quả đầy hứa hẹn này cho thấy tiềm năng điều trị của alkaloid này chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh.

Berberin thậm chí còn được chứng minh là mang lại lợi ích cho những người bị trầm cảm.

5. Điều trị SIBO (loạn khuẩn ruột non)

Loạn khuẩn ruột non (SIBO – Small intestine bacterial overgrowth) là một trong những chứng bệnh thường gặp do sự tăng nhanh bất thường các loại vi khuẩn ở ruột non trong khi các loại vi khuẩn này thường xuất hiện nhiều ở ruột già chứ không phải ruột non. Thông thường khi bị chẩn đoán loạn khuẩn ruột non, bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc kháng sinh (levofloxacin, ciprofloxacin, metronidazole, rifaximin) và Probiotics nhằm giảm và ức chế các vi khuẩn có hại trong ruột non, đồng thời tăng số lượng cũng như sức đề kháng của những loại vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên thành công của liệu pháp này không nhất quán. Ngày càng nhiều, những người bị SIBO quan tâm đến việc sử dụng liệu pháp bổ sung và thay thế cho sức khỏe đường tiêu hóa của họ.

Mục tiêu của một nghiên cứu được công bố trên Global Advances in Health and Medicine là xác định tỷ lệ thuyên giảm của SIBO khi sử dụng kháng sinh so với thuốc thảo dược. Nó cho thấy rằng việc điều trị thảo dược, bao gồm berberin cũng có hiệu quả và an toàn không kém điều trị bằng kháng sinh.

Berberin có tác dụng kháng khuẩn với Shigella, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn. Những năm gần đây, một số nghiên cứu ở nước ngoài đã xác định berberin có tác dụng chống lại nhiều loại vi khuẩn gram dương (nhuộm theo phương pháp gram, nó bắt màu tím), gram âm (có màu đỏ) và các vi khuẩn kháng acid. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống lại một số nấm men gây bệnh và một số động vật nguyên sinh.

Đặc biệt, berberin điều trị các nhiễm khuẩn đường ruột sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột. Các nghiên cứu cũng chứng minh: Khi dùng một số kháng sinh đường ruột, nếu phối hợp với berberin sẽ hạn chế được tác dụng phụ gây ra bởi các thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh vật đường ruột. Berberin được chỉ định điều trị với bệnh lỵ trực khuẩn, hội chứng lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, viêm ống mật.

6. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Berberin có lợi ích đối với tim mạch do nó có tác dụng giảm lượng đường và cholesterol trong máu, cả hai yếu tố này đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Nó cũng kích thích sự giải phóng nitric oxide, một chất có thể giãn động mạch, làm tăng lưu lượng máu, giảm huyết áp và chống xơ cứng động mạch.

Trong nghiên cứu được xuất bản bởi Trung tâm Y khoa Đại học Maryland, những người dùng berberin trong tám tuần có chức năng tim tốt hơn và có khả năng tập luyện tốt hơn những người dùng giả dược. Liều lượng khuyến cáo từ nghiên cứu này là 300mg đến 500mg bốn lần mỗi ngày. Tác dụng tim mạch của berberin cũng cho thấy nó có thể có khả năng điều trị rối loạn nhịp tim và suy tim.

7. Tăng cường sức khỏe phổi

Các đặc tính chống viêm mạnh của Berberin cũng rất tốt cho sức khỏe của phổi. Trong thực tế, alkaloid này đã được chứng minh là làm giảm viêm phổi cấp tính do khói thuốc lá gây ra.

Trong một nghiên cứu, chuột bị phơi nhiễm với khói thuốc lá gây tổn thương phổi cấp tính và sau đó được cho 50 mg / kg berberin. Sau khi kiểm tra các mô phổi, khói thuốc lá gây ra viêm phế nang của phổi cùng với phù nề tế bào. Tuy nhiên, berberin làm giảm đáng kể tình trạng viêm phổi và tổn thương phổi cấp tính do khói thuốc lá gây ra thông qua hoạt động chống viêm của nó.

Tác dụng phụ của Berberine

Nếu bạn có bệnh nào đó hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc kháng sinh, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống berberin. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang dùng thuốc hạ đường huyết. Vì nó có thể làm giảm lượng đường trong máu, bệnh nhân tiểu đường đang kiểm soát lượng đường trong máu với insulin hoặc các loại thuốc khác phải thận trọng khi sử dụng berberin để tránh bị hạ đường huyết ở mức nguy hiểm.

Những người bị huyết áp thấp cũng nên cẩn thận khi sử dụng vì nó có thể hạ huyết áp tự nhiên.

Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng berberine

Berberin khá an toàn. Các tác dụng phụ chính như chuột rút, tiêu chảy, đầy hơi, táo bón và đau bụng. Có thể tránh được các tác dụng phụ nếu bạn uống berberin theo liều khuyến cáo, chia thành nhiều lần trong ngày, uống trong hoặc sau bữa ăn.

Lưu ý: Những thông tin về các loại thuốc, biệt dược được đăng tải ở chuyên mục Tủ thuốc gia đình trên Website Khoahoc.tv chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định điều trị bất kỳ loại thuốc nào để mang lại hiệu quả tốt và an toàn cho sức khỏe của bạn.

Cập nhật: 19/08/2019 Theo bloggiamgia
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video