Thuốc trị tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ suy tim

Hai loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh tiểu đường loại 2 có thể làm nguy cơ suy tim tăng gấp 2 lần. Đó là kết quả của một nghiên cứu lớn do các chuyên gia Anh thực hiện đối với 78.000 bệnh nhân. Hai loại thuốc thông dụng này là Rosiglitazone (tên thương mại là Avandia) và Pioglitazone (Actos).

Theo các chuyên gia thuộc trường Đại học East Anglia (Anh) và các cộng sự ở Mỹ, tác dụng giữ lại chất dịch (fluid retention) của Avandia và Actos có thể là nguyên nhân gây suy tim. Viết trên tạp chí Diabetes Care, nhóm nghiên cứu kêu gọi các nhà quản lý thuốc nên xem xét lại tính an toàn của 2 loại thuốc này.

Thuốc Actos (Pioglitazone) – cùng với Avandia – đang được MHRA và EMEA thẩm định về lợi ích và nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch. (Ảnh: Pjonline.com)

Tuy nhiên, họ không khuyên bệnh nhân ngưng sử dụng 2 loại thuốc này, mà chỉ chỉ khuyến cáo bệnh nhân nên tham khảo ngay ý kiến bác sĩ khi thấy có những dấu hiệu bất thường về tim mạch. Theo kết quả mới nhất trong nghiên cứu này, cứ 50 người uống những thuốc này trong 26 tháng thì có 1 người cần phải nhập viện vì suy tim, tức chiếm tỉ lệ 2% trong tổng số 78.000 bệnh nhân được theo dõi.

Theo tiến sĩ Yoon Loke, trưởng nhóm nghiên cứu, tỉ lệ này tuy nhỏ, nhưng nếu xét trên tổng số 500.000 người đang sử dụng 2 loại thuốc này ở Anh thì hàng năm có thể có thêm ít nhất 5.000 ca suy tim.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án của 200 bệnh nhân bị suy tim có liên quan đến tiểu đường, các chuyên gia nhận thấy rằng các triệu chứng suy tim vẫn xảy ra ngay cả khi bệnh nhân uống thuốc trị tiểu đường liều thấp. Dù suy tim thường được cho là bệnh của những người lớn tuổi, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy khoảng 25% số ca bệnh thuộc về những bệnh nhân dưới 60 tuổi.

Tiến sĩ Loke phát biểu: “Điều đó có nghĩa là thuốc trị bệnh tiểu đường có thể đã là nguyên nhân gây ra hàng ngàn ca suy tim, tạo ra một gánh nặng lớn cho hệ thống Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia (NHS) vốn đã quá tải”.

Theo một nghiên cứu khác được công bố đầu năm nay, Rosiglitazone cũng được xác định là có liên quan đến bệnh tim.

Tờ hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất cho biết rằng không nên sử dụng Rosiglitazone và Pioglitazone cho những bệnh nhân đã từng mắc bệnh tim. Nhưng theo nhóm nghiên cứu thì sau một thời gian uống những thuốc này, bệnh tim vẫn phát sinh ở những người chưa hề có tiền sử bệnh tim.

Tiến sĩ Loke nhấn mạnh: “Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu này đã không mắc bệnh tim trước khi bắt đầu được điều trị bằng những thuốc nói trên. Dường như không có nhóm bệnh nhân nào tránh được những tác dụng phụ nguy hiểm đó của thuốc”.

Avandia (Rosiglitazone), một trong hai loại thuốc được cho là làm nguy cơ suy tim tăng gấp 2 lần. (Ảnh: Telegraph)

Ông Matt Hunt, Giám đốc Thông tin khoa học của Quỹ cho Bệnh nhân tiểu đường Anh (charity Diabetes UK), cho biết những thuốc này đã được Cơ quan Kiểm soát các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dược phẩm (MHRA) khuyến nghị sử dụng như là một liệu pháp hữu hiệu cho bệnh tiểu đường loại 2.

Ông nói: “Tất nhiên là MHRA cần phải lưu ý đến những chứng cứ do nghiên cứu này cung cấp. Cả MHRA và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMEA) cho biết họ đang thẩm định về các lợi ích và nguy cơ mà 2 loại thuốc Avandia và Actos tạo ra đối với sức khỏe tim mạch”. Việc thẩm định này sẽ hoàn tất vào khoảng cuối năm nay.

Phát ngôn viên của Học viện Y tế Quốc gia Anh (NICE), cơ quan chuyên giám sát việc sử dụng thuốc, phát biểu: “Nếu EMEA xác định rằng lợi ích mà 2 loại thuốc này mang lại không nhiều bằng những cái hại mà chúng gây ra, thì họ sẽ cung cấp cho các bác sĩ một khuyến cáo về chỉ định sử dụng chúng. Khuyến cáo đó sẽ được ưu tiên thực hiện so với những hướng dẫn hiện hành của NICE”.

Trong khi đó, phản ứng trước kết quả nghiên cứu này, Công ty GlaxoSmithKline, nhà sản xuất thuốc Avandia, cho biết: “Nguy cơ gây suy tim của thuốc này đối với bệnh nhân tiểu đường cũng như đối với những người khác đã được biết rõ và đã được thể hiện rõ trong hướng dẫn chỉ định sử dụng thuốc được gửi cho các bác sĩ ở Anh”.

Quang Thịnh

Theo BBC, Telegraph, VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video