Thuốc xịt mũi ngăn lây nhiễm nCoV trong 8 giờ

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Helsinki tạo ra một loại thuốc xịt mũi mới có thể bảo vệ người dùng hiệu quả trước nCoV và nhiều biến chủng, bao gồm Omicron.

Trong nghiên cứu sơ bộ gần đây trên tế bào trong đĩa cạn cũng như chuột, thuốc xịt mũi có thể ngăn virus lây nhiễm tế bào trong thời gian lên tới 8 giờ sau một liều. Nhưng các nhà khoa học sẽ cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn trước khi ứng dụng liệu pháp này với con người. Thuốc xịt mũi thử nghiệm được phát triển bởi nhóm nghiên cứu ở Đại học Helsinki, dựa trên phương pháp đối phó với nCoV hơi khác biệt so với những phương pháp khác.


Hạt virus nCoV màu vàng bên trong túi liên kết màng của tế bào biểu mô. (Ảnh: NIH)

"Tác dụng phòng ngừa của thuốc là ngăn lây nhiễm nCoV", tác giả nghiên cứu Kalle Saksela cho biết. "Tuy nhiên, đây không phải là vaccine, cũng không phải là giải pháp thay thế vaccine, mà giống vaccine bổ trợ để tăng cường bảo vệ cho những người đã tiêm chủng trong bối cảnh nguy cơ cao, đặc biệt là người thiếu sức đề kháng".

Vaccine hoạt động thông qua huấn luyện để hệ miễn dịch nhận biết mầm bệnh, giúp cơ thể tạo nguồn cung cấp kháng thể tự nhiên và tế bào miễn dịch thích hợp với mầm bệnh nếu nó xuất hiện trong tương lai. Chúng ta có thể sản xuất hàng loạt kháng thể đối phó nCoV trong phòng thí nghiệm, còn gọi là kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, phương pháp điều trị mà nhóm nghiên cứu ở Helsinki phát triển sử dụng một protein tổng hợp nhỏ hơn nhiều so với kháng thể. Nhưng nó vẫn có thể nhận biết và liên kết với gai protein của virus. Để tăng cường tiềm năng của protein, các nhà nghiên cứu ghép chúng thành từng cụm 3 protein.

Theo giả thuyết, những phân tử giống kháng thể này có thể chủ động ức chế bất kỳ virus corona nào mà chúng tiếp xúc, ít nhất trong thời gian ngắn. Ở dạng xịt, các phân tử bảo vệ có thể được đưa trực tiếp vào đường hô hấp trên, nơi khởi phát lây nhiễm nCoV trong phần lớn trường hợp.

Saksela, nhà virus học ở Đại học Helsinki, nhấn mạnh cách điều trị trên không dùng để thay thế vaccine hay các loại thuốc khác. Trong nghiên cứu công bố vào tháng 12 năm ngoái, Saksela và đồng nghiệp mô tả quá trình họ thử nghiệm thuốc xịt với giả virus giống các biến chủng nCoV khi chúng lây nhiễm sang tế bào trên đĩa cạn và ở chuột sống.

Omicron đang trở thành biến chủng đáng ngại chủ yếu do nhiều đột biến cho phép nó lẩn tránh kháng thể tự nhiên và nhân tạo được tạo ra để chống lại chủng nCoV ban đầu. Nhưng phân tử của nhóm nghiên cứu nhắm vào một khu vực đột biến rất ít trên gai protein của nCoV. Do đó, ngay cả Omicron cũng có thể bị ức chế dễ dàng.

Ít nhất đó là những gì Saksela và cộng sự nhận thấy trong phòng thí nghiệm. Bất kể là Omicron, Delta hay chủng nCoV ban đầu, virus đều bị ngăn chặn sau khi dùng một liều thuốc xịt. Ở chuột tiếp xúc với biến chủng Beta của nCoV, chuột dùng thuốc xịt hầu như không còn virus ở đường hô hấp trên và phổi so với nhóm kiểm soát. Phương pháp điều trị dường như cũng an toàn và không gây bất kỳ tác hại nghiêm trọng nào.

Tất nhiên, nghiên cứu cơ bản trên chưa qua đánh giá từ hội đồng chuyên gia. Nếu nghiên cứu tiếp tục cho kết quả hứa hẹn, Saksela dự đoán thuốc xịt sẽ vẫn hữu ích ngay cả khi đại dịch kết thúc. "Công nghệ này rất rẻ và dễ sản xuất. Chất ức chế hoạt động tốt ngang nhau với mọi biến chủng. Nó cũng có tác dụng với virus SARS nên có thể dùng như liệu pháp khẩn cấp đối với virus corona tiếp theo".

Saksela không biết chắc mất bao lâu để thuốc xịt được cấp phép thử nghiệm lâm sàng và có mặt trên thị trường. Ngoài tiếp tục nghiên cứu phương pháp điều trị Covid-19, tiếp theo, nhóm nghiên cứu có thể thử phát triển một loại thuốc xịt tương tự cho các bệnh hô hấp lây nhiễm khác.

Cập nhật: 13/01/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video