Ung thư vòm họng hiếm gặp ở vùng này, nhưng lại cực kỳ phổ biến ở một số khu vực trên thế giới.
Với sự kiện nam tài tử đình đám Kim Woo Bin mắc ung thư vòm họng (NPC), nhiều người hẳn phải nhận ra một sự thật rất phũ phàng, đó là ung thư chẳng chừa một ai cả. Dù bạn có là ai, đang làm gì, thì vẫn có nguy cơ mắc ung thư như những người bình thường khác.
Kim Woo Bin - nam diễn viên mới được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng.
Có điều nếu chịu khó tìm hiểu về chứng bệnh này, bạn sẽ nhận thấy một thông tin khá kỳ lạ, khi ung thư vòm họng được xem là dạng ung thư "hiếm" ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, cái tên "ung thư vòm họng" chắc chắn chúng ta đã nghe không dưới 1 lần.
Vậy thực sự thì tỉ lệ ung thư vòm họng cao đến đâu?
Trên thực tế, thông tin NPC là dạng ung thư hiếm là hoàn toàn chính xác, nhưng đó là đối với các quốc gia phương Tây.
Tại Mỹ, mỗi năm tỉ lệ mắc ung thư vòm họng là 0,2 - 1/100.000 người. Đối với người châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á và Trung Quốc, tỉ lệ có thể lên đến 6 - 9/100.000, tức là cao hơn 6 lần.
Thậm chí theo một nghiên cứu tại Singapore trong giai đoạn 2003 - 2007, ung thư vòm họng trở thành căn bệnh ung thư phổ biến thứ 7 ở nam giới, và đứng thứ 12 ở nữ giới. Nó chiếm 4,6% các ca tử vong vì ung thư.
Còn tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư vòm họng cũng khá cao, trong đó 70% phát hiện quá muộn (giai đoạn 3 hoặc 4), khiến cho tỉ lệ sống sót sau chẩn đoán gần như vô vọng.
Ung thư vòm họng là dạng ung thư hiếm đối với các quốc gia phương Tây.
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong hai quốc gia tại châu Á có tỉ lệ ung thư vòm họng khá thấp - chỉ 0,6/100.000.
Do đâu mà có sự chênh lệch này?
Lý do thực sự hiện vẫn chưa được khoa học làm rõ, dù đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện về vấn đề này. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cũng đưa ra một số giả thuyết có tính tin cậy khá cao trong chuyện này.
Đầu tiên, lý do có thể là vì di truyền trong chủng tộc. Theo thống kê, người da trắng có tỉ lệ ung thư vòm họng thấp hơn người châu Á, và gần như không xuất hiện ở người châu Phi.
Tuy vậy, người châu Á sinh ra tại những khu vực có tỉ lệ ung thư thấp cũng ít có khả năng mắc bệnh hơn, vậy nên không loại trừ các nguyên nhân địa lý, thói quen sinh hoạt khác nhau giữa các vùng địa lý, văn hóa.
Cụ thể hơn thì các quốc gia châu Á với tỉ lệ người sử dụng thuốc lá, thuốc lào cao sẽ có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn.
Có thể do di truyền, nhưng cũng do thói quen xấu như rượu bia, thuốc lá của nhiều người.
Virus cũng là một trong những nguyên nhân đáng lo ngại. Theo các nhà khoa học, virus Epstein-Barr (một trong những virus họ herpes, lây truyền qua đường tình dục) rất có thể liên quan đến ung thư vòm họng.
Tuy rằng điều này chưa được chứng minh đầy đủ, nhưng đã có một số bằng chứng khá tin cậy về ADN của Epstein-Barr kết hợp được với ADN tế bào trong vòm họng, tạo ra tế bào ung thư.
Cách phòng tránh ung thư vòm họng như thế nào?
Để chắc chắn không bao giờ mắc phải ung thư vòm họng thì hiện chưa có cách nào (nếu có thì đã là một bước đột phá lớn cho y học rồi).
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng việc cắt giảm và từ bỏ những thói quen không tốt - bao gồm rượu bia, thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm muối chua lâu ngày... - sẽ phần nào giúp bạn giảm thiểu nguy cơ.
Ngoài ra, hãy chăm đi khám sức khỏe định kỳ. Ung thư vòm họng đáng sợ ở chỗ nó tiến triển nhanh, dẫn đến chuyện khi phát hiện ra bệnh thì đã quá muộn.
Vậy nên, khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy ngay lập tức đi khám. Phát hiện ung thư sớm ngày nào, cơ hội sống sót của bạn sẽ tăng thêm nhiều lần.