Các nhà nghiên cứu Đức cho biết tỉ lệ sống sót ở những người được chẩn đoán bị u hắc sắc tố (melanoma), dạng ung thư da nặng nhất, đã được cải thiện trong vòng 25 năm qua.
Trong bài viết được đăng trên tập san Ung Thư, các nhà nghiên cứu này cho biết bệnh u hắc sắc tố hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, sự cải thiện về tỉ lệ sống sót mà họ đã nghiên cứu có thể không hẳn hoàn toàn là nhờ bệnh được chẩn đoán sớm.
Bác sĩ Claus Garbe và các đồng nghiệp thuộc Trường đại học Eberhard - Karis ở Tuebingen đã phân tích tỉ lệ sống sót ở 4.791 bệnh nhân đã được chẩn đoán bị u hắc sắc tố có xâm lấn ở miền nam nước Đức trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến 2001 nhằm đánh giá các nhân tố có liên quan đến tỉ lệ sống sót tăng cao.
U hắc sắc tố ác tính (Ảnh: Microscopyu.com) |
Một nhân tố ảnh hưởng đến mức độ gây tử vong của khối u là độ dày của nó. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng độ dày trung bình của khối u đã giảm từ 1,07 mm trong giai đoạn 1976-1989 xuống còn 0,75 mm trong giai đoạn 1990-2001.
Kết quả phân tích cho thấy độ dày khối u, vết loét, tuổi tác, giới tính, chỗ phẫu thuật, và thời gian chẩn đoán ban đầu đều có thể giúp dự đoán tỉ lệ sống sót.
Nhóm của bác sĩ Garbe giải thích: “Điều thú vị là chúng tôi đã phát hiện rằng tỉ lệ sống sót ở những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh kể từ năm 1990 dường như đã được cải thiện không hẳn là nhờ được chẩn đoán bệnh sớm. Đó có thể là nhờ có những thay đổi về các đặc điểm sinh học chưa được ghi nhận ở bệnh u hắc sắc tố hoặc các tiến bộ trong việc điều trị căn bệnh này.”
Linh Anh