'Tiến sĩ' thạch sùng cụt

Sau chục năm nghiên cứu, tiến sĩ Ngô Thái Lan (giảng viên Khoa Sinh, ĐH Sư phạm HN 2) đã tìm ra quá trình sinh sản của loại thạch sùng cụt, góp phần bảo tồn loại bò sát hữu ích đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Sắp tới, tiến sĩ Ngô Thái Lan sẽ xuất bản cuốn sách về quá trình tìm hiểu đời sống loài thạch sùng cụt để thuận tiện cho công tác giảng dạy và bảo tồn loài bò sát quý này.

“Rủ” chồng đi bắt thạch sùng

Thạch sùng cụt là loài bò sát biến nhiệt có tên khoa học Gehyra Mutilata Wiegmann (hay còn gọi là thạch thùng, móc rách, mối rách, thằn lằn nhà). Đây là loài bò sát sống hoang dã nhưng lại rất gần gũi với con người, chúng thường sống trong nhà hoặc gần nhà. Thức ăn của thạch sùng chủ yếu là các loại côn trùng muỗi, gián, sâu bọ.

Trong y học cổ truyền, thạch sùng cụt được dùng làm vị thuốc để chữa rất nhiều bệnh, đặc biệt bệnh lao hạch, hen suyễn. Do đây là loài bò sát quý, nên nhiều người dân tìm cách săn bắt dẫn đến tình trạng khan hiếm và loại này đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Tiến sĩ Ngô Thái Lan.

“Nếu biết được chu kỳ sinh sản của thạch sùng sẽ xác định được thời kỳ nào không nên bắt loại thạch sùng cụt đang sinh trưởng, như vậy sẽ góp phần bảo tồn loài động vật quý này”, tiến sĩ Lan cho biết.

Từ suy nghĩ này, từ năm 1999, tiến sĩ Lan cùng chồng mày mò nghiên cứu tìm hiểu về loài thạch sùng cụt.

Để tiện theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của thạch sùng, tiến sĩ Lan làm những chiếc chuồng đặt trong nhà, rồi cùng chồng đi bắt thạch sùng về nuôi: “Có những đêm hai vợ chồng thay phiên nhau trông thạch sùng, cho thạch sùng ăn, lấy mẫu thí nghiệm đến khi đi ngủ thì trời đã sáng” , tiến sĩ Lan nhớ lại.

Tìm cách bảo tồn

Phải mất 6 năm ròng, tiến sĩ Lan mới bước đầu tìm ra được chu kỳ sinh sản của thạch sùng cụt. Theo tiến sĩ Lan, chu kỳ sinh dục của thạch sùng cụt đực chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn sinh sản, thạch sùng cụt phóng tinh mạnh từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 7 đến tháng 8. Vào giai đoạn nghỉ sinh, một số ít cá thể vẫn có thể sinh tinh và sinh sản vào tháng 11 đến tháng 12. Còn chu kỳ phát triển noãn của thạch sùng cái thì diễn ra quanh năm. Nhưng có ba giai đoạn rụng noãn tập trung đó là: từ cuối tháng 3 đến tháng 5; từ cuối tháng 7 đến tháng 9 và từ tháng 11 đến tháng 12.

Những chuồng nuôi thạch sùng.

Cũng qua nghiên cứu, tiến sĩ Lan nhận thấy, trong một năm có hai thời kỳ con non xuất hiện nhiều nhất là tháng 6 đến tháng 7 và tháng 10 đến tháng 11.

Từ những kết quả trên, tiến sĩ Lan nhận định chỉ nên bắt thạch sùng trưởng thành sau mùa sinh sản (từ tháng 10 đến tháng 3) để đảm bảo số lượng loài không bị giảm sút mạnh.

“Muốn bảo vệ loài thạch sùng cụt thì nên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách khai thác đúng mức và khuyến khích nuôi thạch sùng bởi loài bò sát này dễ nuôi lại thân thiện và có ích đối với con người”, tiến sĩ Lan nói và cho biết thêm sẽ xuất bản cuốn sách về quá trình tìm hiểu đời sống của loài thạch sùng cụt để thuận tiện cho công tác giảng dạy và bảo tồn loài bò sát này.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video