Tiết lộ bất ngờ từ "sinh vật lạ" 120 triệu tuổi ở Trung Quốc

Sinh vật chưa từng được biết đến của kỷ Phấn Trắng đã tiết lộ bước tiến hóa quan trọng của loài được mệnh danh là "hậu duệ còn sống của khủng long".

Được khai quật ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc, cơ thể nguyên vẹn của một loài hoàn toàn mới, được đặt tên là Imparavis attenboroughi, thể hiện sự biến đổi dở dang của một sinh vật mới chỉ vừa thoát khỏi hình hài khủng long.

Loài chim vốn tiến hóa từ các khủng long giống chim, do đó chúng được coi là hậu duệ duy nhất của loài khủng long.


Imparavis attenboroughi là đại diện cho những con chim vừa mới thoát khỏi hình hài khủng long, còn rơi rớt lại vài đặc điểm bò sát - (Ảnh: CRETACEOUS RESEARCH).

Theo Sci-News, con Imparavis attenboroughi này đã 120 triệu tuổi và thuộc một nhóm chim cổ đại là Enantiornithes, đặc trưng bởi đặc điểm ở khớp vai trái ngược với chim hiện đại.

Cùng với khủng long, dực long, thương long, ngư long..., loài chim còn mang dấu tích của sự tiến hóa dở dang này đã tuyệt chủng trong thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub 66 triệu năm trước.

Tuy vậy, chúng vẫn để lại thế giới những hóa thạch thú vị, hứa hẹn làm sáng tỏ cuộc biến đổi lịch sử cũng như cách mà loài chim đã len lỏi qua các hốc sinh thái trong giai đoạn khắc nghiệt của thời kỳ đại tuyệt chủng để sống sót.

Các bước biến đổi thành chim phải bao gồm việc từ bỏ răng và vuốt kiểu khủng long. Hầu hết Enantiornithes đều có những thứ này.

"Nếu bạn quay ngược thời gian 120 triệu năm ở Đông Bắc Trung Quốc, bạn có thể thấy thứ gì đó trông giống chim cổ đỏ hoặc hồng hạc, nhưng rồi chúng sẽ mở chiếc miệng đầy răng ra, giơ cánh lên và để lộ những ngón tay" - TS Alex Clark từ Bảo tàng Field (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Nhưng Imparavis attenboroughi là loài Enantiornithes đầu tiên được phát hiện không có răng, và cũng là con chim cổ xưa nhất không có răng.

Phát hiện này đẩy lùi mốc tiến hóa của những chiếc mỏ không răng về mốc 120 triệu năm, sớm hơn tận 48-50 triệu năm so với suy nghĩ trước đây.

Một đặc điểm thú vị khác - thứ đã khiến TS Clark và các cộng sự nhận ra con chim họ tìm thấy là một loài mới - là một khối xương nhô ra ở đầu hai cánh, nơi các cơ bám vào và giúp chúng vỗ cánh mạnh hơn.

Khác với các loài chim cùng dòng họ, thay vì chỉ sống trên cây, loài này có khả năng bay tốt này cũng mạo hiểm kiếm ăn cả dưới đất, tạo điều kiện cho sự phát triển những chiếc mỏ không răng.

Các dữ liệu mới này cho thấy lịch sử tiến hóa của loài chim phức tạp hơn chúng ta nghĩ.

Và đó không chỉ là câu chuyện tiến hóa của một loài, mà còn góp phần giải thích cách mà nhiều nhóm sinh vật Trái Đất đã tiến hóa để vượt qua đại tuyệt chủng, bao gồm tổ tiên động vật có vú của chúng ta.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.

Cập nhật: 14/03/2024 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video