Tìm hiểu về hội chứng “làm tình trong khi ngủ”

Một người Thụy Điển bị kết tội hãm hiếp đã lật ngược bản án sau khi thuyết phục được thẩm phán rằng mình hoàn toàn mơ ngủ trong suốt quá trình "quan hệ", mà khoa học gọi là hội chứng “làm tình trong khi ngủ”.

Mikael Halvarsson đã được tòa tha bổng sau khi các chuyên gia công nhận anh này không hề hay biết mình có hành động cưỡng bức người khác trong lúc ngủ mê, và khi tỉnh dậy cũng chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra, theo AP dẫn hồ sơ ghi chép tại phiên tòa Sundsvall ở Thụy Điển. Halvarsson đã bị tố cáo có hành vi tấn công tình dục đối với người khác phái vào ngày 2/4/2014. Theo nguyên đơn, hai người cùng chia giường để ngủ, nhưng đến khuya thì bị cáo có vẻ như muốn dùng sức mạnh cưỡng ép nạn nhân. Đến sáng, cô này báo cảnh sát và khi nhân viên công vụ đến nhà, họ phát hiện Halvarsson vẫn đang ngủ say.


Uống thuốc ngủ có thể khiến tình trạng cận miên diễn ra thường xuyên - (Ảnh: Shutterstock)

Trong phiên tòa phúc thẩm, bạn gái cũ của Halvarsson tường trình rằng mình đã một lần gặp phải trường hợp trên khi còn quan hệ với anh này. Mẹ của bị cáo cũng xác nhận con trai từng có hành vi không đúng mực khi ngủ. Thuật ngữ “sexomnia”, tức chứng làm tình vô thức khi ngủ, đôi khi bị lợi dụng làm cớ thoát tội trong các phiên tòa trước đó. Tuy nhiên, Giáo sư - tiến sĩ Kingman Strohl - Giám đốc Trung tâm về giấc ngủ thuộc Tổ chức Y khoa Case tại Cleveland - xác nhận rằng y văn có ghi nhận trường hợp về những hành vi tình dục vô thức khi ngủ mê. Chuyên gia Strohl cho hay sexomnia được liệt vào dạng cận miên, tức tình trạng rối loạn giấc ngủ, giống như trường hợp mộng du hoặc nói mớ.

“Thông thường những người bị chứng này rất hoảng sợ và bối rối không biết chuyện gì đã xảy ra”, tiến sĩ Strohl đề cập đến những bệnh nhân mắc chứng sexomnia. “Chúng tôi tìm kiếm những dấu hiệu có thể tiết lộ hành vi của đối tượng trong quá khứ, có nghĩa là tình trạng này đã diễn ra trước đó giống như mộng du và nói mớ”. Giáo sư người Mỹ cho hay trong những trường hợp cận miên, một người không thật sự nằm mơ mà thay vào đó họ hành động một cách tự phát và vô thức, như đi ngang một căn phòng, lái xe xung quanh khu nhà… Theo giới chuyên gia, tình trạng rối loạn giấc ngủ giống như trên có thể diễn ra với biên độ thường xuyên hơn nếu bệnh nhân quá mệt mỏi hoặc phải dùng thuốc ngủ để dỗ giấc.

Dù sexomnia rất hiếm gặp, vẫn có cách để phát hiện một người mắc bệnh thật hay chỉ là tìm cớ để tấn công tình dục người khác. Giáo sư Strohl tiết lộ một số dấu hiệu có thể phát hiện bị cáo bệnh thật hay giả vờ. Theo đó, một người ngủ thực sự sẽ không có hành động nào hoàn hảo hoặc phản ứng trước môi trường xung quanh. Ví dụ, một người mộng du cứ đâm đầu về phía trước mà không cần biết mình sắp tông vào cái ghế trước mặt hoặc bước đi một cách thản nhiên trên rìa của các cao ốc. Trong trường hợp giả vờ, một người có thể "diễn" bằng cách làm bánh trong khi ngủ, nhưng nếu ngủ mê thật, người này sẽ không hoàn tất công việc và sau đó phủ đường lên mặt bánh.

Trong khi đó, Giáo sư - tiến sĩ Mark Eric Dyken - Giám đốc Viện Rối loạn giấc ngủ tại Đại học Iowa - cho biết đã phát hiện một vài trường hợp tại Mỹ hung thủ cố tình đổ lỗi cho chứng cận miên. Chuyên gia Dyken lưu ý rằng trong khi sexomnia có thật và là một chứng rối loạn giấc ngủ đã được chứng thực, nó cũng cực kỳ hiếm khi xảy ra.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video