Tìm thấy di cốt người cổ cách đây 3.500 năm

Bộ di cốt được tìm thấy tại di chỉ Đồng Đậu thuộc Yên Lạc, Vĩnh Phúc còn gần như nguyên vẹn, khoảng 3500 năm tuổi và đặc biệt có dấu vết của tục nhuộm răng đen và tục nhổ răng cửa bên hàm trên và răng cửa hàm dưới.

Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nằm gọn trên Gò Đậu, thuộc thôn Đông Hai, xã Vĩnh Mỗ, nay là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là di chỉ khảo cổ học tiêu biểu thời tiền sơ sử của Việt Nam, đã được Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Khoa Lịch sử Đại học KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội khai quật 6 lần với tổng diện tích 758m2 (trong đó, Viện Khảo cổ học đã khai quật 3 lần).

Hầu hết các cuộc khai quật đều tìm thấy những di vật tiêu biểu của 3 nền văn hoá: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun là các văn hoá tiêu biểu của dân tộc ta mở đầu giai đoạn Hùng Vương dựng nước. Ngày 21/4/2000, Đồng Đậu đã được Nhà nước xếp hạng là di tích Văn hoá Lịch sử cấp Quốc gia.

Từ ngày 11/12/2012, cuộc khai quật lần thứ 7 bắt đầu với sự tham gia của 3 cơ quan là Bộ môn khảo cổ học Khoa Lịch sử Đại học KHXH&NV-ĐHQGHN, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc. Qua 7 lần khai quật đã phát hiện được các hiện vật bằng đá (rìu, đục, bàn mài, vòng, hạt chuỗi trang sức), đồng (rìu, dũa, mũi tên, lưỡi câu, mũi lao), gốm (mảnh nồi, vò, chạc, dọi xe chỉ, bi gốm và nhiều công cụ bằng xương, sừng. Di cốt động vật như: lợn, hươu, nai, trâu, bò, chó, hổ… và khá nhiều xương cá.

Năm 1999, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc tiến hành cuộc khai quật lần thứ 6 đã phát hiện được một ngôi mộ táng, còn giữ lại được di cốt người thuộc văn hoá Phùng Nguyên.


Bộ di cốt hàng ngàn năm tuổi vẫn còn khá nguyên vẹn.

Cuộc khai quật lần này, mặc dầu chỉ có 25m2, nhưng cũng đã phát hiện được một ngôi mộ nằm ở độ sâu 3m, các nhà khảo cổ đã tìm thấy biên mộ rất rõ ràng. Ngôi mộ còn gần như nguyên vẹn trừ xương đùi bên trái bị mất - có thể do người đời sau đào hố trúng mộ và cũng không loại trừ tổ mối làm huỷ hoại. Di cốt nằm ngửa, hai tay duỗi thẳng, hộp sọ bị vỡ, nhưng di cốt khá cứng có thể phục chế lại được kể cả phần xương mặt. Đây là bộ xương của một người trưởng thành, cao khoảng 1,6 mét. Xương hàm dưới thô, có góc hàm vểnh ra ngoài và bờ trên hốc mắt tày - đó là đặc điểm của nam giới. Chưa rõ vì lý do nào, nhưng tìm thấy bằng chứng xương mác bên phải bị gẫy nhưng đã liền lại. Đặc biệt có tục nhuộm răng đen và tục nhổ răng cửa bên hàm trên và răng cửa hàm dưới.

Phong tục nhổ răng đã được chúng tôi chứng minh là chỉ thấy xuất hiện trong những mộ táng thuộc văn hoá Phùng Nguyên như: Xóm Rền (Phú Thọ), Hang Tọ II (Sơn La), Đình Tràng (Hà Nội), một số ngôi mộ ở Mán Bạc (Ninh Bình) và cả 2 ngôi mộ phát hiện được ở Đồng Đậu.

Những di cốt người cổ tìm thấy ở Đồng Đậu có niên đại sớm nhất khoảng 3500±110 cách ngày nay. Đây là những bằng chứng vô cùng quý giá để tìm hiểu về thành phần nhân chủng của người Việt cổ trên lưu vực sông Hồng. Phát hiện di cốt người cổ ở Đồng Đậu sẽ đóng góp vào những tư liệu khoa học làm sáng tỏ dần vấn đề “Nguồn gốc người Việt” - mà nhiều nhà khoa học còn đang gắng công tìm tòi, nghiên cứu.

Theo ông Trần Văn Quang - Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc, bộ di cốt này sẽ được chuyển về trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Vĩnh Phúc, để phục vụ nhân dân và khách thăm quan trong và ngoài nước.

Theo CAND
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video