Tìm thấy hổ phách 100 triệu năm tuổi chứa mẫu vật tôm hạt hiếm

Các nhà cổ sinh vật học phát hiện bộ sưu tập hổ phách lưu giữ hàng chục cá thể tôm hạt với nhiều con vẫn còn nguyên mô mềm.

Tôm hạt hay giáp trai (Ostracoda) là một lớp động vật giáp xác đã tồn tại từ cách đây hàng trăm triệu năm, có thể sống trong cả môi trường nước mặn, nước ngọt và trên đất liền. Phần lớn hóa thạch Ostracoda được tìm thấy ngày nay chỉ là lớp vỏ vôi hóa. Những mẫu vật vẫn còn nguyên mô mềm là đặc biệt hiếm.


Một số mẫu vật tôm hạt được bảo quản trong hổ phách ở Myanmar. (Ảnh: NIGPAS).

Trong một nghiên cứu mới được công bố hôm 15/9, các chuyên gia từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (NIGPAS) cho biết đã tìm thấy hàng chục mẫu vật tôm hạt vẫn còn lưu giữ các bộ phận mềm có niên đại từ kỷ Phấn Trắng, cách đây khoảng 100 triệu năm.

Tổng cộng 39 cá thể tôm hạt - trong đó có cả con đực, con cái, con trưởng thành và con non - được bảo quản rất tốt bên trong bộ sưu tập hổ phách ở Myanmar. Công nghệ chụp cắt lớp vi tính bằng tia X đã cho phép nhóm nghiên cứu thu được hình ảnh độ phân giải cao về các bộ phận mềm của chúng, bao gồm phần phụ và cơ quan sinh sản.


Các cơ quan mềm của Ostracoda trong hổ phách (màu đen trắng) so với mẫu vật hiện đại. (Ảnh: NIGPAS).

Trưởng nhóm nghiên cứu Wang He từ NIGPAS nhấn mạnh đây là lần đầu tiên mẫu vật tinh trùng khổng lồ của tôm hạt - có thể dài bằng 1/3 kích thước cơ thể - được tìm thấy bên trong hóa thạch kỷ Phấn Trắng. Phát hiện này đã đẩy lùi hồ sơ tinh trùng động vật cổ nhất từng được biết đến về sớm hơn 50 triệu năm.

Các phân tích hóa thạch cho thấy trong quá trình sinh sản hữu tính ở Ostracoda, con đực đã sử dụng một bộ phận đặc biệt có hình chiếc móc để bám lấy con cái, trước khi đưa cơ quan sinh sản (hemipenis) vào bạn tình để ghép đôi. Tinh trùng khổng lồ sau khi được bơm vào con cái sẽ chuyển trạng thái từ bất động sang hoạt động, tự sắp xếp thành một tập hợp có tổ chức và thụ tinh cho trứng trong quá trình trứng rụng.


Mô phỏng hành vi giao phối của Ostracoda. (Ảnh: Yang Dinghua).

Nghiên cứu mới cho thấy hành vi sinh sản phức tạp ở các loài tôm hạt gần như không thay đổi trong ít nhất 100 triệu năm qua. Đây là một ví dụ điển hình về sự trì trệ tiến hóa. Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

Cập nhật: 17/09/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video