Ngôi mộ cổ từ thời nhà Đường được tìm thấy vào năm 1973 tại Turpan, Tân Cương đã thu hút sự chú ý của giới khảo cổ trên thế giới.
Điều đặc biệt là bên trong mộ có một chiếc quan tài được làm bằng giấy, dù được chôn trong sa mạc 1.000 năm nhưng nó hầu như khá nguyên vẹn.
Bên trong quan tài giấy chính là danh tướng Trương Vô Giới thời nhà Đường. (Ảnh minh họa).
Người Trung Quốc vốn rất chú trọng đến việc xây mộ, làm quan tài. Họ thường chọn những chất liệu như kim loại, gỗ hoặc đá với độ bền cao để làm quan tài. Vì thế, khi tìm thấy chiếc quan tài giấy, một chất liệu lần đầu tiên họ gặp trong lịch sử khảo cổ nên sự kiện này đã gây được sự chú ý lớn của thế giới.
Bất ngờ hơn, những tờ giấy để làm quan tài cũng không phải giấy trắng mà là giấy đã viết chữ bên trên. Hơn nữa, thi thể của chủ nhân ngôi mộ chỉ được đặt trên một tấm chiếu sậy. Người chết là nam giới, khoảng 50 tuổi, trên người mặc áo dài bằng vải bông màu tím. Do nắng gió của sa mạc, thi thể của người đó đã hóa thành xác ướp khô.
Tại sao quan tài lại bằng giấy?
Theo các tài liệu còn trong mộ cổ, người chết là Trương Vô Giới, một danh tướng thời nhà Đường. Phát hiện này khiến các chuyên gia khảo cổ bối rối bởi Trương Vô Giới là một đại tướng quân thì tại sao lại chỉ được mai táng bằng quan tài giấy? Phải chăng ông đã phạm tội gì?
Cuối cùng, nhờ sự miệt mài của các chuyên gia, sự thật dần lộ diện. Căn cứ vào các ghi chép trong lịch sử, từ 1.700 năm trước, hoàng đế Đường Thái Tông – Lý Thế Dân đã quyết định phát triển kinh tế ở khu vực Tây Vực. Tuy nhiên, có một quốc gia ở khu vực đó thường xuyên chống trả, tìm cách ngăn chặn con đường giao thông huyết mạch nối giữa Tây Vực và Trung Nguyên.
Điều này khiến cho Lý Thế Dân rất bất mãn, ông đã cử tướng quân của mình là Trương Vô Giới đi chinh phạt. Sau khi đánh thắng, để tiếp tục bảo vệ cho sự phát triển của Tây Vực, Trương Vô Giới đã ở lại đây canh giữ cho tới lúc chết. Thế nhưng sự qua đời của ông đã khiến cho việc tổ chức tang lễ trở thành một vấn đề khó giải quyết.
Bởi thời bấy giờ, khu vực Tây Vực toàn là sa mạc, không có cây cối, rất khó để tìm đủ một lượng gỗ tốt đóng quan tài. Ngoài ra, nếu đưa thi thể của ông về kinh đô với quãng đường xa như vậy, e rằng thi thể sẽ thối rữa hết. Các binh lính mới nảy ra ý tạo một chiếc quan tài bằng nhiều lớp giấy.
Dù sa mạc nắng gió, nhưng quan tài giấy không bị hư hỏng quá nhiều. (Ảnh: Sohu).
Họ đã đi khắp doanh trại thu thập toàn bộ giấy vụn, sau đó dùng cọc gỗ cố định nó và tạo thành một chiếc quan tài. Trải qua nghìn năm dưới nắng gió và cát của Tây Vực, dù có đôi chút bị hư hỏng và ăn mòn, nhưng chiếc quan tài giấy vẫn được công nhận là bảo vật quý giá của giới khảo cổ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sau khi phục chế những tờ giấy làm nên chiếc quan tài, các chuyên gia vô cùng hào hứng khi biết chúng là các bản ghi chép những công việc trong quân đội và triều đình. Điều này đã khiến giá trị lịch sử của chiếc quan tài giấy càng tăng lên gấp bội.