Nếu đánh giá niên đại là chính xác thì giả thuyết người tinh khôn "Rời bỏ châu Phi" của các nhà khoa học sẽ có thêm bằng chứng đáng tin cậy.
Các nhà khảo cổ ở Ả Rập Saudi đã tìm thấy xương người được cho là cổ nhất Trung Đông trong một cuộc khảo sát mới đây.
Phần xương tìm thấy là đốt giữa của "ngón tay thối" có niên đại trên 9 vạn năm tuổi. Nếu đánh giá này là chính xác, đây là phần xương cổ nhất từng tìm thấy ở bán đảo Ả Rập cũng như giúp đưa ra dự đoán về thời gian người tinh khôn rời bỏ châu Phi và tìm sang các lục địa khác.
Xương "ngón tay thối" tìm thấy ở Ả Rập Saudi ước tính niên đại 9 vạn năm.
Giả thuyết "Rời bỏ châu Phi" nói rằng người tinh khôn (homo sapiens) rời châu Phi cách đây 60.000 năm. Tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy có một nhóm nhỏ khác đã di cư trước thời điểm trên. Hóa thạch tìm thấy ở Israel năm ngoái cho thấy người hiện đại rời khỏi châu Phi từ 120.000 năm trước, tuy nhiên giả thuyết này bị bác bỏ ngay sau đó.
Các nhà khoa học cho rằng cuộc di cư đầu tiên đã thất bại và họ phải quay trở lại châu Phi. Cuộc tìm kiếm lần này thực hiện giữa các nhà khảo cổ từ đại học Oxford (Anh) và đồng nghiệp từ Ả Rập Saudi.
Địa điểm tìm thấy xương "ngón tay thối" là khu vực Taas al-Ghadha ở thành phố Tayma, miền tây bắc Ả Rập Saudi.
Hoàng tử Sultan bin Salman, chủ tịch Ủy ban Du lịch và Di sản thế giới Ả Rập Saudi công bố phát hiện này cách đây ít hôm.
Theo tờ Asharq Al-Awsat có trụ sở ở London, phát hiện là: "thành tựu quan trọng với những nhà khoa học Ả Rập Saudi và là kết quả rất đáng khích lệ sau nỗ lực của Hoàng tử Sultan cho ngành khảo cổ nước nhà".
Dù vậy, xương người tìm thấy ở Ả Rập Saudi chưa phải là cổ nhất thế giới. Xương người cổ nhất từng được tìm thấy là xương hàm ở Ethiopia, có niên đại cách đây 2,8 triệu năm.