Tinh tinh đầu đàn bất ngờ lao tới trộm mồi của đại bàng

Một con đại bàng ở thung lũng Issa phía tây Tanzania trải qua một bữa ăn khó nhằn khi tinh tinh đực đầu đàn bất ngờ lao ra và trộm mất con mồi của nó.


Tinh tinh Imba ăn xác linh dương trộm từ đại bàng. (Ảnh: Sam Baker/GMERC).

Tinh tinh (Pan troglodytes) chủ yếu ăn cây cỏ, nhưng chế độ ăn của chúng cũng bao gồm thịt và nhiều sản phẩm từ động vật khác. Chúng chủ động tìm kiếm thịt và ăn cả xác thối trong những dịp hiếm hoi. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Primates hé lộ khả năng đối đầu với các động vật ăn thịt khác và chiếm thức ăn của chúng từ tinh tinh trong hành vi mang tên confrontational scavenging, Live Science hôm 5/12 đưa tin.

Trưởng nhóm nghiên cứu Sam Baker, điều phối viên của Dự án bảo tồn linh trưởng Bugoma ở Uganda, đang đi theo bầy tinh tinh cùng với Kidosi Raulent Mfaume, trợ lý thực địa người địa phương, khi họ trông thấy con đực đầu đàn tên Imba chạy vào một trảng cỏ cao. Sau đó, một con đại bàng rừng châu Phi (Stephanoaetus coronatus) lập tức bay lên. Lúc sau, Imba xuất hiện với con linh dương bụi rậm non bất động (Tragelaphus scriptus) mà nhóm nghiên cứu đoán do đại bàng bắt được. "Cuộc đối đầu kiểu này rất hiếm gặp, phần lớn đến từ suy đoán, vì vậy quan sát gần như hoàn chỉnh như vậy cực kỳ độc đáo", Baker chia sẻ.

Những con tinh tinh khác tìm cách trộm cái xác và xin Imba chia phần trong khoảng một giờ. Nó chia thức ăn cho một con tinh tinh cái và ăn phần lớn một mình. Sau khi nó vứt cái xác, đám tinh tinh còn lại tới ăn cho đến khi chỉ còn lại hộp sọ.

Đây là ví dụ thứ hai về tinh tinh trộm thức ăn từ chim săn mồi. Hầu hết các trường hợp confrontational scavenging thường liên quan tới tinh tinh lấy con mồi của khỉ đầu chó. Một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tạp chí Human Evolution phát hiện tinh tinh cũng trộm mồi của báo hoa mai (Panthera pardus), dù báo hoa mai thường săn tinh tinh. Do tinh tinh là một trong những họ hàng gần nhất của loài người, chúng có thể cung cấp thông tin về đời sống của tổ tiên chung sống cách đây khoảng 6 - 8 triệu năm và tiến hóa hành vi của con người.

Cập nhật: 08/12/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video