Khả năng theo dõi cụ thể và theo thời gian thực tình trạng sức khỏe của bản thân hoàn toàn có thể "gây nghiện" cho người sử dụng.
Bài lược dịch trải nghiệm của phóng viên Lydia Ramsey, Business Insider khi đặt một thiết bị theo dõi đường máu theo thời gian thực để tối ưu khả năng hoạt động.
Trong vài tuần vừa qua, tôi biết khá rõ tụy của mình đang hoạt động ổn hay không, vào bất kỳ lúc nào. Đó là do tôi đã đeo một thiết bị theo dõi đường máu liên tục, hay CGM. Thiết bị này sử dụng một sợi dây nhỏ cắm vào dưới làn da dể liên tục đo mức độ đường trong máu của tôi.
Một thiết bị như vậy thường chỉ được kê đơn cho những người đang bị tiểu đường, khi mà họ có lượng đường trong máu rất thất thường. Theo dõi đường máu rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường, và họ có thể làm việc đó theo giờ hoặc dùng thiết bị đo liên tục. Thiết bị mà tôi dùng là Dexcom G6.
"Thiết bị này giúp tránh trường hợp hạ đường huyết, giúp bạn đảm bảo đường huyết của mình. Chưa có dữ liệu nào để hướng dẫn sử dụng nó trên người khỏe mạnh", bác sĩ Adrian Vella thuộc Mayo Clinic chia sẻ.
Thiết bị đọc đường huyết liên tục thường được sử dụng cho những người bị tiểu đường. (Ảnh: Business Insider).
Chỉ mất 1 giây để hack cơ thể
Tôi không bị tiểu đường, nhưng rất muốn biết liệu theo dõi đường huyết sẽ đem lại những kết luận gì cho mình. Tôi hi vọng rằng việc đọc đường huyết có thể giúp chỉnh sửa chế độ ăn, lịch tập luyện và kể cả cải thiện sức khỏe. Hack cơ thể mình cũng đang là trào lưu tại Thung lũng Silicon.
Trong quá trình tìm hiểu về bệnh tiểu đường, tôi đã nói chuyện với nhiều người không bị bệnh nhưng vẫn đeo thiết bị này, và họ nói rằng thiết bị giúp họ thay đổi thói quen ăn uống. Khi ăn một chiếc bánh rán và thấy đường huyết tăng vọt, họ biết rằng không nên ăn món đồ ngọt này nữa.
Chiếc Dexcom G6 bao gồm một cảm biến, thiết bị đọc dữ liệu từ cảm biến, và một màn hình để hiển thị dữ liệu. Tuy nhiên tôi chọn đọc dữ liệu ngay trên smartphone.
Sau khi đặt thiết bị này vào phần sau cánh tay, chỉ với một nút bấm, cây kim đã ấn vào phía dưới làn ra tôi, và để lại một cảm biến. Một giây sau, cây kim đã rút ra khỏi tay.
Thiết bị này chỉ mất 1 giây để gắn vào người, và vài giờ để cân chỉnh là có thể hiển thị trên smartphone. (Ảnh: Business Insider).
Tiếp theo, tôi phải gắn bộ phát để giao tiếp với cảm biến trong tay. Cảm biến có thời gian dùng 10 ngày, và tôi chỉ đăng ký sử dụng 2 chiếc cảm biến. Sau 1 giây kích hoạt và khoảng vài giờ cho cảm biến tự cân chỉnh, tôi đã có thể đọc mức đường huyết của mình.
Hack cơ thể giúp tôi biết được điều gì
Đeo thiết bị này trên tay, tôi không cảm thấy vướng víu gì, trừ một vài lần bị mắc vào khi mặc áo.
Bất ngờ đầu tiên mà thiết bị mang tới là nó cho tôi biết mình bị hạ đường huyết, thay vì tăng sau khi uống bia. Đó là do cơ thể tôi không kịp chuyển hóa đường vào máu để phản ứng với lượng cồn trong người.
Những thông tin khác thì gần như là không có gì bất ngờ, như lượng đường sẽ tăng vọt khi tôi dùng một loại thức uống đá xay chẳng hạn. Thông tin chỉ đáng chú ý nếu so sánh những loại thực phẩm khác nhau nạp vào người, ví dụ như tôi chọn một thanh kẹo thay vì quả chuối cho bữa sáng chẳng hạn.
Ứng dụng kế tiếp của thiết bị này là đo đường huyết trong cuộc đua marathon. Khi tôi sử dụng nó để chạy cuối tuần, tôi mang theo những thanh năng lượng để ăn ngay khi thấy đường huyết giảm. Tuy nhiên, đường huyết không tăng rõ rệt như những gì tôi tưởng tượng.
Với ứng dụng trên smartphone, người dùng có thể nhìn rõ được thay đổi của đường huyết, từ đó suy ra kết luận về chế độ ăn. (Ảnh: Business Insider).
Henrik Berggren, CEO của Công ty Steady Health chuyên áp dụng công nghệ vào chữa trị bệnh tiểu đường giải thích cơ thể mỗi người có thể phản ứng khác nhau với các bài tập luyện khác nhau.
Một điều thú vị nữa là những lần tôi được mọi người trên phố hỏi về thiết bị kỳ lạ trên tay mình. Một người đàn ông từng hỏi tôi về chiếc "vòng Fitbit mới" mà tôi đeo trên tay, cho tới khi tôi giải thích đây là thiết bị đo đường huyết.
Giá mà tôi có thể sử dụng thiết bị lâu hơn
Sau 20 ngày, nhìn chung những chỉ số của tôi khá ổn định, không có thay đổi rõ rệt nào trong ngày. Nói cách khác, tụy của tôi vẫn hoạt động đúng chức năng.
Bác sĩ Vella cũng cho rằng với người khỏe mạnh, thiết bị này sẽ không phát huy tác dụng mấy. Nó chỉ phát huy tác dụng trong một số trường hợp, như người bị bệnh tiểu đường cần kiểm tra tác dụng của thuốc insulin.
Bác sĩ George Haddad ở viện P4, Seattle cũng cho biết bệnh nhân của ông đã được phát CGM để theo dõi thường xuyên.
Tuy nhiên, với người khỏe mạnh thì các chỉ số sẽ không có gì bất thường, do vậy thiết bị đọc chỉ số cũng không thực sự cần thiết. (Ảnh: Business Insider).
Đôi lúc thiết bị này cũng gây phiền, hay nói đúng hơn là gây nghiện như nghiện mạng xã hội, khi tôi thường xuyên mở ứng dụng ra để kiểm tra mà không cần thiết.
Dù vậy, việc nắm bắt được rõ ràng cơ thể mình đang phản ứng như thế nào vẫn khiến tôi rất thích thú. Khi cảm biến thứ 2 cũng hết hạn, tôi cảm thấy khá tiếc nuối khi không còn thiết bị này bên mình.