Điều gì sẽ xảy ra khi một tập đoàn "tỉ mỉ có tiếng" như Apple trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế và xây dựng "tổng hành dinh" mới của mình. Câu trả lời, có lẽ là một tòa nhà văn phòng với thiết kế "chuẩn tới từng nanomet".
"Sản phẩm" cuối cùng của Steve Jobs - chính là tổng hành dinh mới nhất của Apple tại Cupertino, California - là một khuôn viên mang đậm chất "tương lai", tập trung đến từng chi tiết. Từ việc sắp xếp hệ thống dây điện ra sao, đến đặt những đường ống ngầm như thế nào, từng phần nhỏ của hệ thống tòa nhà với diện tích 260.000 mét vuông đều được "chăm chút" vô cùng tỉ mỉ.
Nhưng, để xây dựng nên tòa nhà một cách hoàn hảo không phải là chuyện dễ dàng chút nào - các thành viên tham gia vào quá trình xây dựng tòa nhà đều có cùng ý kiến như vậy.
Kể từ khi Apple công bố kế hoạch xây dựng "tổng hành dinh" mới vào năm 2011, thời điểm mà tập đoàn này chính thưc chuyển trụ sở liên tiếp phải lùi lại. Kế hoạch ban đầu của Steve Jobs là hoàn thành dự án này vào năm 2015, nhưng theo những người tham gia vào dự án, phải tới tận mùa xuân năm nay mọi thứ mới chính thức hoàn thiện. Các thủ tục để được thành phố chấp thuận dự án "đóng góp" không nhỏ tới sự chậm trễ này.
So sánh các thông số "tổng hành dinh" cũ và mới của Apple.
Apple không tiết lộ bất cứ thông tin chính thức nào về chi phí để xây dựng "tổng hành dinh" mới, nhưng quản lý trước đây của dự án này ước tính, số tiền này rơi vào khoảng 5 tỉ USD. Trong đó, hơn 1 tỉ USD được chi cho nội thất của tòa nhà chính.
Với một dự án tiêu tốn biết bao thời gian và công sức như vậy, một số người trong ngành kiến trúc đã "đặt dấu hỏi" rằng, liệu Apple có đang đầu tư đúng hướng hay không. Theo như giáo sư Louise Mozingo tại U.C Berkeley, tổng hành dinh này "nằm ngoài" xu hướng của các văn phòng "mở" được xây dựng để tăng cường hiệu quả hợp tác trong công việc. Tòa nhà văn phòng chính - một vòng kính với kích cỡ khổng lồ, được so sánh như một con tàu vũ trụ - có thể sẽ khiến mọi người cảm thấy khó khăn trong việc di chuyển qua lại.
"Mục tiêu của Apple không phải là tối đa hóa hiệu quả làm việc của văn phòng, mà để tạo một không gian mang đậm tính biểu tượng cho tập đoàn" - bà Louise cho biết thêm.
Phát ngôn viên của Apple từ chối bình luận về vấn đề này.
Vòng kính lớn nhất thế giới
Theo như bản kế hoạch năm 2013, khi hoàn thiện, tổng hành dinh của Apple có thể chứa được tối đa 14.200 nhân viên. Tòa nhà chính, nơi có vòng kính lớn nhất thế giới, sẽ được bao phủ bởi hàng ngàn tán cây xanh. Gần như sẽ không còn sót lại gì của khuôn viên đầy xi măng mà Apple nhận lại từ HP, trừ một căn nhà thô sơ có tuổi đời bằng cả thế kỷ được tập đoàn này "bảo tồn" nguyên vẹn.
Nhưng điều làm những người tham gia vào dự án này ngạc nhiên nhất, nằm ở việc quản lý của Apple coi quá trình thi công tổng hành dinh mới, giống như cách họ thiết kế và sản xuất các thiết bị điện tử bỏ túi.
Và thế là, có rất nhiều điều luật được đặt ra trong quá trình thiết kế và thi công, như: Không đường ống nào được phép phản chiếu lên bề mặt kính, cùng với hơn 30 trang chỉ dẫn về các loại gỗ đặc biệt dùng trong thi công tòa nhà.
Tổng hành dinh của Apple có thể chứa được tối đa 14.200 nhân viên.
Các sai số về khoảng cách và kích cỡ vật liệu, cũng là điều được Apple tập trung chú ý đến. Đối với các dự án thông thường, sai số về kích cỡ cho phép tối đa là khoảng 1/8 inch; tuy nhiên sai số mà tập đoàn này yêu cầu lại nhỏ hơn rất rất nhiều - kể cả đối với những phần kiến trúc ngầm.
Khả năng thiết kế nhạy bén của Apple góp phần không nhỏ cho việc tăng cao chất lượng của dự án này, tuy nhiên, không phải lúc nào kỳ vọng của họ cũng phù hợp với điều kiện thực tế trong thi công - Một kiến trúc sư chia sẻ quan điểm.
"Bạn có thể giới hạn được sai số rất nhỏ trong quá trình sản xuất điện thoại. Tuy nhiên, với những thiết kế cỡ lớn như tòa nhà, sai số như vậy hoàn toàn không ổn. Kiểu gì cũng kẹt cửa cho mà xem" - Kiến trúc sư này cho biết thêm.
Dự án này đem lại việc làm toàn thời gian cho khoảng 13.000 nhân công xây dựng, nhưng cũng đồng thời tạo ra một áp lực không nhỏ đối với các nhà thầu. Hai nhà thầu đầu tiên, Skanska USA và DPR Construction, đã bỏ cuộc ngay sau khi dự án bắt đầu - điều mà theo các chuyên gia kiến trúc, là chuyện cực kỳ hiếm gặp đối với một dự án tầm cỡ lớn như vậy. Nguyên nhân của chuyện này vẫn là điều bí ẩn. Cả Apple, cũng như các bên liên quan đều từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Trung thành với các nguyên lý thiết kế
Tính sáng tạo của Apple đối với "Tổng hành dinh" mới này thể hiện ở rất nhiều khía cạnh. Kiến trúc sư German de la Torre, chỉ ra rằng, rất nhiều chi tiết của dự án này "trung thành" với các thiết kế sản phẩm của Apple, chẳng hạn như ở các góc cong của tòa nhà. Nút bấm thang máy thì trông khá giống với nút "Home" trên những chiếc iPhone.
"Sau nhiều năm thử nghiệm, có lẽ họ đã tạo ra được một "bộ quy tắc" thiết kế, và các sản phẩm của Apple cứ "theo đó mà làm" thôi" - de la Torre cho biết.
Thời kỳ đầu của dự án, quản lý của Apple nói với bộ phận thi công rằng trần nhà - tạo thành từ các tấm bê tông lớn được đánh bóng cẩn thận - cần phải "nhẵn không tì vết" từ trong ra ngoài. Và thế là, cả ngàn tấm trần bê tông, từng tấm, từng tấm một, đều phải trải qua sự kiểm tra và giám sát kỹ lưỡng từ cả Apple lẫn bên phía nhà thầu xây dựng, một lần ở điểm bán và một lần ở điểm thi công.
"Kể cả những phần không nhìn thấy được của tòa nhà cũng đều rất quan trọng với Apple".
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình thi công, nằm ở các cánh cửa. Apple muốn cửa của họ phẳng tuyệt đối chứ không có ngưỡng. Bất chấp mọi ý kiến của đội thi công, Apple vẫn giữ vững quan điểm của mình.
"Chúng tôi đã mất cả tháng trời cố gắng tìm cách tránh động chạm tới vấn đề này, bởi lượng thời gian, công sức cần bỏ ra, nhất là điều này trước đây chưa ai làm bao giờ".
Apple muốn cửa của họ phẳng tuyệt đối chứ không có ngưỡng.
Và thế là, cứ lần này qua lần khác, các giám sát viên của Apple bỏ cả tháng trời ra để giám sát và hoàn thiện từng chi tiết nhỏ nhất một, tạo nên hiệu ứng dây chuyền khiến tiến độ của các khu vực thi công khác cũng bị đẩy lùi theo.
Việc lắp các biển báo và biển hướng dẫn cũng cần phải được cân bằng: vừa đảm bảo tính thẩm mỹ của thiết kế tối giản theo yêu cầu của Apple, nhưng cũng vừa phải đảm bảo rằng trong trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, có thể giúp mọi người rời khỏi tòa nhà một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Theo như Dirk Mattern, đại diện cho trụ sở cứu hỏa của Santa Clara, ông đã phải có mặt ở không dưới 15 cuộc họp về những biển chỉ dẫn này.
"Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ mất nhiều thời gian với mấy cái biển chỉ dẫn như thế" - ông chia sẻ.
Như một bức tranh
Khi Apple liên hệ với Holder Construction và Rudolph & Stetten để hoàn thành giai đoạn thi công chính vào năm 2015, một trong những vấn đề được bàn đến đầu tiên là làm tay nắm cửa cho văn phòng và phòng họp.
Sau nhiều tháng trời làm việc, sản phẩm cuối cùng mới được "qua tay" hội đồng giám định tại Apple. Và mặc dù theo như đội thi công, cái tay nắm cửa này đã "chuẩn đến từng nanomet", thì Apple vẫn yêu cầu có thêm một sản phẩm khác nữa. Thậm chí, 1 năm rưỡi sau đó, qua bao nhiêu cuộc tranh luận, thì Apple vẫn chưa đạt được sự hài lòng đối với những chiếc tay nắm cửa của mình.
Khi việc thi công kết thúc hoàn toàn, có lẽ, đấu vân tay duy nhất có thể tìm thấy được ở công trình sẽ thuộc về Steve Jobs. Bởi lẽ, các nhân công thường xuyên phải đeo găng tay để tránh làm tổn hại đến các vật liệu xây dựng đầy tinh tế.
"Đây giống như một bức tranh mà bạn không bao giờ nỡ chạm vào" - Brett Davis, giám đốc khu vực của hội đồng các sản phẩm thủ công Quận 16 cho biết. "Đây là nơi nhất định bạn phải thăm quan, đấy là nếu như Apple đồng ý để bạn đặt chân vào tổng hành dinh của họ" - ông chia sẻ thêm.