Top 5 công việc nguy hiểm nhất Thế chiến II

Nhiều người tìm cách sống sót trong Thế chiến II bằng cách tránh trở thành lính bộ binh, nhưng thực tế có nhiều vị trí còn nguy hiểm hơn.

Oanh tạc cơ Mỹ trong Thế chiến II thường được trang bị tháp pháo hình cầu dưới bụng, nhằm đối phó với tiêm kích tiếp cận từ phía dưới và phía sau.

Xạ thủ tháp pháo hình cầu là một trong những công việc nguy hiểm nhất trong chiến tranh, do khoang chiến đấu nằm dưới máy bay mà không có giáp bảo vệ và thường là mục tiêu tập trung tiêu diệt của đối phương.

Các xạ thủ cũng không thể mang dù vì không gian chật hẹp. Nếu oanh tạc cơ bị trúng đạn, họ phải trèo vào trong khoang máy bay để đeo dù, quá trình khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn các thành viên khác trong tổ lái, nhất là trong những tình huống khẩn cấp.

Ngay cả khi không bị đối phương đe dọa, các xạ thủ trong tháp pháo hình cầu cũng gặp nhiều nguy hiểm do phải phơi mình trong mọi điều kiện thời tiết xung quanh và đường ống dưỡng khí cho họ có thể bị đóng băng do nhiệt độ thấp, dẫn tới thiếu oxy và ngạt thở.


Xạ thủ tháp pháo hình cầu trước khi làm nhiệm vụ. (Ảnh: Wikipedia).

Các thành viên tổ lái oanh tạc cơ bay trên lãnh thổ đối phương cũng đối mặt với những hiểm nguy không kém. Pháo phòng không Đức có thể nã vào đội hình oanh tạc cơ với độ chính xác cao, trong khi tiêm kích đánh chặn liên tục tập kích và bắn rơi nhiều máy bay.

Phi hành đoàn có ít lựa chọn khi gặp nguy hiểm. Khả năng sơ cứu hạn chế khiến những người bị thương nặng được đồng đội đeo dù và ném khỏi máy bay với hy vọng họ được lính Đức cấp cứu khi bắt làm tù binh.

Tàu vận tải cũng là một trong những lực lượng chịu nhiều tổn thất nhất trong Thế chiến II. Đội tàu nàycó nhiệm vụ vận chuyển mọi vật tư và trang thiết bị từ Mỹ đến Anh, Nga và khu vực Thái Bình Dương, khiến chúng trở thành mục tiêu đánh phá của tàu ngầm và tàu mặt nước đối phương, đồng thời khiến thủy thủ tàu hàng cũng là công việc có độ rủi ro cao.

Truyền thông Mỹ chỉ đưa tin hai tàu chở hàng bị đánh chìm mỗi tuần, nhưng con số trung bình thực tế là 33 chiếc một tuần. Cứ 26 thủy thủ tàu hàng lại có một người chết trong chiến tranh với tỷ lệ tổn thất là 3,85%, cao hơn cả mức 3,66% của thủy quân lục chiến Mỹ.

Thủy thủ đoàn tàu ngầm cũng là một công việc nguy hiểm hàng đầu trong Thế chiến II. Nhiều quả ngư lôi gặp hiện tượng chạy vòng quanh và lao về phía chính tàu ngầm vừa khai hỏa, đe dọa mạng sống của toàn bộ những người trên tàu dù họ không gặp sự đáp trả từ đối phương.

Thủy thủ đoàn cũng phải đối phó nguy cơ khí thải từ động cơ diesel không được xả ra ngoài và tích tụ trong tàu, cũng như pin điện bốc cháy và tạo ra khói độc. Cả hai đều có thể khiến toàn bộ thủy thủ đoàn chết ngạt trước khi kịp phản ứng. Những lỗi kỹ thuật hoặc sai lầm của thủy thủ đoàn trong quá trình vận hành cũng có thể khiến tàu bất ngờ chìm.

Mọi binh sĩ đều biết cần tấn công thiết bị liên lạc như ăng-ten và dây điện thoại hữu tuyến trên chiến trường, điều này khiến lính thông tin liên lạc luôn nằm trong nhóm mục tiêu ưu tiên. Ăng-ten vô tuyến rất nổi bật trên chiến trường, khiến lính thông tin mang nó dễ trở thành mục tiêu của lính bắn tỉa.

Trong khi đó, dây liên lạc hữu tuyến có khả năng bảo mật cao, không thể bị bắt sóng nghe trộm. Tuy nhiên, các binh sĩ rải dây luôn phải di chuyển rất chậm và thường bị đối phương tập trung tiêu diệt.

Cập nhật: 31/08/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video