Từ dẽ Hoa Kỳ đến bướm xanh El Segundo… chúng là những loài động thực vật quý hiếm và đang ở tình trạng nguy cấp trên thế giới đang được các nhà khoa học nỗ lực bảo vệ, theo báo The Daily Green (Mỹ) giới thiệu.
1. Khỉ sóc đầu bông Mura
Theo công bố gần đây của Hội Bảo tồn động vật hoang dã (WSC), một loài khỉ nhỏ có họ hàng với loài khỉ sóc đầu bông (Tamarin) có phần lưng rất giống yên ngựa đã được phát hiện ở khu rừng nhiệt đới Tây Bắc Brazil, có tên khoa học là Saguinus uscicollis mura. Tên mura được đặt theo tên bộ lạc Mura của Ấn Độ, sinh sống ở lưu vực sông Purus và Madeira.
2. Ếch đốm Oregon
Số lượng loài ếch đốm Oregon đã tăng lên đáng kể nhờ nỗ lực của các nhà khoa học trong việc thực hiện nghiêm ngặt các chương trình nhân giống tại hai Vườn thú Woodland Park và Oregon, Hoa Kỳ.
Ếch đốm Oregon có tên khoa học là Rana pretiosa, có nghĩa là “ếch quý báu”, là một thành viên mới thực sự trong gia đình ếch Ranidae. Nó có chiều dài cơ thể từ 4 đến 10cm, chỉ sống trong phạm vi các hạt Deschutes, Lane và Klamath, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ và hiện tại nó cũng được tìm thấy tại Canada.
3. Bọ cánh cứng ăn xác thối
Sở dĩ gọi là bọ cánh cứng ăn xác thối (Nicrophorus americanus) vì chúng là những “công nhân quét đường”, làm sạch sẽ môi trường khi ăn hết những xác chết động vật. Đây là loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng, hiện chỉ còn sống ở tiểu bang Oklahoma và đảo Rhode, Hoa Kỳ. Các nhà khoa học rất vui mừng khi hiện nay, sở thú Roger Williams, đảo Rhode đã gây giống thành công loài bọ cánh cứng chuyên ăn xác thối.
4. Cá sấu Trung Quốc
Lần đầu tiên 15 bé cá sấu Trung Quốc (Alligator sinensis) đã chào đời trong hoang dã sau một thập niên cố gắng bảo vệ loài cá sấu quý hiếm này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chúng chỉ sống tại khu vực đảo Sùng Minh, thuộc cửa sông Dương Tử, Trung Quốc.
5. Dẽ Hoa Kỳ
Dẽ Hoa Kỳ (Castanea dentata) thuộc họ Sồi, là cây thân gỗ lớn thay lá hàng năm được tìm thấy nhiều nhất ở đông Bắc Mỹ. Các nhà thực vật học cho biết chúng từng phát triển rậm rạp, che phủ tới 90% các khu rừng ở khắp các bang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, từ những năm đầu thế kỷ 20, chúng đã bị đe dọa nghiêm trọng, bắt đầu chết gần hết do một loại bào tử nấm độc tấn công gây nên bệnh cháy lá. Những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tin tưởng, loài dẽ đại mộc Hoa Kỳ có khả năng “hút” nhanh và nhiều khí CO2 hơn các loại cây khác.
6. Cò đầu gỗ
Những con cò đầu gỗ (Mycteria americana) đặc hữu của vùng đầm lầy Corkscrew, bang Florida, Hoa Kỳ đã có một mùa sinh sản thành công và tuyệt vời trong năm nay khi có đến 1.100 cặp chim làm tổ hứa hẹn 2.200 chú chim non sẽ chào đời. Đây là loài cò quý hiếm, nguy cấp trong gia đình cò Ciconiidae do những vùng đầm lầy sinh sống của chúng bị thu hẹp dần.
Cò đầu gỗ trưởng thành đạt chiều cao từ 83 đến 115cm với sải cánh dang rộng từ 140 đến 180cm, dễ phân biệt với khúc đầu gỗ đen đủi và chiếc mỏ dài, nổi tiếng với cách săn mồi nhạy bén và sắc sảo; khi đi săn chiếc mỏ dài há sẵn dưới nước, chiếc mỏ sẽ khép lại ngay lập lức khi săn tìm được cá.
7. Sơn dương sừng thẳng Ả Rập
Sơn dương sừng thẳng Ả Rập (Oryx leucoryx) thích nghi cao độ với cuộc sống ở sa mạc và những thảo nguyên rộng lớn thuộc vùng bán đảo Ả Rập. Người ta nghi ngờ chúng đã bị tuyệt chủng từ năm 1930 do nạn săn bắn nhưng hiện nay số lượng của chúng đang có dấu hiệu phục hồi ở vùng Trung Đông nhờ nỗ lực bảo tồn của các nhà khoa học.
8. Bướm xanh El Segundo
Dân số loài bướm xanh El Segundo (Euphilotes battoides allyni) quý hiếm của Hoa Kỳ đang dần hồi sinh khi chúng được bảo tồn trong một khu đất rộng lớn cạnh sân bay quốc tế Los Angeles (LAX). Chúng là loài côn trùng đầu tiên được đưa vào danh sách các chủng loại có nguy cơ bị tuyệt chủng của liên bang vào năm 1976. Đây là loài bướm nhỏ, cánh mỏng manh và rất yếu ớt.