TP.HCM: Viêm não mô cầu ngấm ngầm bột phát

Tại TP.HCM, bệnh viêm não mô cầu có chiều hướng diễn biến phức tạp. Từ hôm qua, BV Nhi Đồng II đã phải cho nhân viên, cán bộ y tế tiếp xúc với bệnh nhân uống thuốc phòng ngừa.

Bác sĩ ở BV Nhi Đồng II (TP.HCM) đang chăm sóc, điều trị cho bé Thanh Mai. (Ảnh VNN chụp vào chiều 23/3)
Rạng sáng ngày 20/3, Bệnh viện ( BV) Nhi Đồng II tiếp nhận một bệnh nhân tên Hoàng Thị Thanh Mai, 3 tuổi nhà ở Bình Chiểu, Thủ Đức trong tình trạng sốt cao li bì, ói mửa.

Qua khám lâm sàng và xét nghiệm đã phát hiện bé bị bệnh viêm não mô cầu.

Viêm não mô cầu: 6 bệnh, 3 tử vong, 2 trường hợp không rõ týp bệnh

Như vậy, trong vòng mấy tuần nay, tại TP.HCM đã có 6 trường hợp bị nhiễm bệnh não mô cầu, trong đó 3 người đã tử vong. Số trường hợp bệnh đều tập trung ở địa bàn Quận Thủ Đức.

Đến 16 giờ ngày 22/3, tại Khoa Nhiễm-BV Nhi Đồng II, bé Thanh Mai vẫn nằm thiêm thiếp mặc dù ngay sau khi chẩn đoán bệnh bé đã đựơc điều trị bằng kháng sinh mạnh, bé đã bớt sốt nhưng vẫn còn đang rất mệt, lừ đừ.

BS Trần Thị Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng II cho biết, bệnh viêm màng não mủ hay còn gọi là não mô cầu do một loại vi trùng chỉ có ở người gây ra.

BS Việt cũng cho biết thêm, trường hợp bé Thanh Mai kể trên được xác định nhiễm nhóm C.

Hai trường hợp sống sót trước đây tại Thủ Đức bị nhiễm nhóm B

Riêng 2 trong số 3 trường hợp đã tử vong hiện vẫn chưa xác định được týp gì.

Môi trường sống ô nhiễm, tù túng, ẩm thấp là nguyên nhân quan trọng để dịch bệnh xuất hiện. Bằng chứng là những ca bệnh vừa qua đều xuất phát từ khu vực nhà trọ tạm bợ của người lao động. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh nhưng qua thực tế cho thấy, lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất thừơng từ 5-15 tuổi

Nốt bầm do bệnh viêm não mô cầu gây ra (Ảnh: thailabonline)
Loại vi trùng này khu trú trú trong mũi, họng một số người nhưng không gây bệnh (gọi là người lành mang trùng), tỉ lệ khoảng 10% số người sống trong các môi trường thoáng mát. Nếu sống trong môi trường chật hẹp và đông đúc, vệ sinh kém thì tỉ lệ này cao hơn nhiều. Bệnh sẽ bùng phát khi cơ thể suy yếu hay bị nhiễm cảm trước đó.

Trước đây bệnh này rất phổ biến nhưng 5 năm trở lại đây đã giảm nhiều do có thuốc chích ngừa.

Số bệnh nhân bị bệnh não mô cầu dạng nhiễm trùng huyết chỉ khoảng 10-20% nhưng tỉ lệ tử vong rất cao khoảng 50% mặc dù được cấp cứu tích cực, nếu sống sót thì cũng phải ghép da vì tử ban sâu gây hư hỏng da, có trường hợp phải ghép da.

Điều đặc biệt mà các nhà dịch tễ học chưa giải thích đựơc là ở người càng to khỏe, có sức đề kháng mạnh, trẻ bú mẹ càng bụ bẫm lại càng dễ rơi vào thể tối cấp của nhiễm trùng huyết.

Trong số tất cả các vi khuẩn gây viêm màng não thì vi trùng gây não mô cầu dễ lây nhất và lây qua dịch tiết của đường hô hấp.

Bệnh khởi phát rất đột ngột, không lai rai kéo dài.

Do đó, phụ huynh cần lưu ý nếu thấy trẻ bỗng nhiên nóng sốt nhiều, ho, đau họng (hoặc có khi không ho, đau họng) nhưng kèm ói mửa. Đồng thời, xuất hiện những chấm đỏ tím trên da, xuất huyết trong mắt trong một thời ngắn thì phải đưa tới BV ngay mà không được tự chữa.

Khi nhập viện, trẻ sẽ được xét nghiệm máu ngay, nếu có dấu nghi ngờ màng não sẽ được xét nghiệm não tủy.

Tiêm ngừa: Chỉ mới ngừa được 2 týp bệnh

Để phòng ngừa cho nhân viên y tế khi tiếp xúc với trẻ, từ chiều qua, 23/3, BV Nhi Đồng II đã tổ chức cho toàn bộ nhân viên y tế của khoa Nhiễm và những nhân viên có tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân uống một loại thuốc ngừa mang tên Ofloxacin 400mg liều duy nhất.

Hiện nay đã có thuốc chích ngừa não mô cầu Meningo nhưng mới chỉ có 2 týp là A & C, còn týp B & D vẫn chưa có.

Bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhất trong khoảng từ 24-48 giờ đầu khi phát hiện bệnh.

Theo các bác sĩ ở BV Nhi Đồng II, nếu có điều kiện phải cách ly trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, do tình trạng phòng ốc tại khoa Nhiễm còn chật hẹp nên trẻ bị các bệnh khác vẫn phải nằm chung một phòng với trẻ bị bệnh não mô cầu.
Màng não cầu (neisseria meninggitidis), tác nhân gây ra bệnh viêm não mô cầu. (Ảnh: brown)
Khi bị nhiễm bệnh, nếu ở thể nhẹ nhất, người bệnh chỉ bị viêm họng và có thể tự khỏi.

Nếu ở cấp độ nặng sẽ có 2 bệnh cảnh:

-Vi trùng vào não gây viêm màng não mủ và gây nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương. Đây là bệnh rất nặng giống như trường hợp bé Mai. Nếu phát hiện sớm và điều trị bằng kháng sinh thích hợp bệnh sẽ lui nhanh chỉ sau 24-48 giờ và ít khi để lại di chứng.

-Vi trùng vào máu gây nhiễm trùng huyết: bệnh nhân không bị viêm màng não nhưng như thế không có nghĩa là không nguy hiểm, đặc biệt ở thể tối cấp bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh chỉ sau 24-48 giờ, tỉ lệ tử vong lên tới 50%, nếu sống sót thì cũng phải ghép da do da bị hoại tử. Hai trường hợp tử vong vừa qua tại Tam Bình Thủ Đức cũng bị nhiễm trùng huyết do não mô cầu.

Khi nhiễm bệnh não mô cầu bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như ho, đau họng, sốt, rét run, đau cơ, hôn mê, sốc, có những nốt tử ban trên da (trên da có những nốt thâm tím, đỏ, nhiều kích thước khác nhau, có cái nhỏ như đầu định có cái to, hình loang lổ như ban đỏ, dẫn tới hoại tử.

Nhật Phương

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video