Vật chất tồn tại ở 4 trạng thái rắn, lỏng, khí và plasma có thể là một định nghĩa cần xem xét lại. Có một thứ vật chất thuộc về trạng thái lửng lơ chính giữa rắn và lỏng đang tạo nên trái tim của Trái đất.
Theo Science Alert, từ những năm 1930, các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng gián tiếp cho thấy lõi Trái đất là một quả cầu rắn. Từ đó, kết cấu lõi trong rắn, lõi ngoài lỏng được chấp nhận rộng rãi.
Tuy nhiên cũng có những dữ liệu sóng địa chấn cho thấy lõi bên trong rất mềm. Sự bất nhất này có thể do lõi hành tinh chúng ta là một thứ vật chất không hiện hữu trên mặt đất, không phải rắn cũng không phải lỏng.
Trái đất gồm nhiều lớp, trong đó lõi trong cùng có thể là một "siêu vật chất" đầy thú vị.
Đó là những gì nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Yu He từ Học viện Khoa học Trung Quốc đưa ra. Công trình này khẳng định lõi Trái đất là một dạng "siêu vật chất" superionic, trạng thái mà trước đó các nhà khoa học tồn tại ở nước và băng giá ở các hành tinh khác.
Nhưng siêu vật chất trong lõi Trái đất hoàn toàn khác biệt, nó làm từ hợp kim của sắt với carbon, hydro và oxy, tồn tại quái dị ở trạng thái lửng lơ giữa rắn và lỏng. Đó là lý do các dữ liệu địa chấn - thứ chủ yếu mà các nhà khoa học dựa vào để nghiên cứu thế giới sâu bên trong hành tinh - lúc phản ánh lõi trong rắn, lúc lại cho thấy nó phải uyển chuyển như chất lỏng hay chất dẻo mềm.
Tiến sĩ He và các cộng sự đã sử dụng mô phỏng máy tính để tái tạo lại cách sóng địa chấn di chuyển qua lõi để từ đó xác định các sóng địa chấn lạ mà chúng ta từng thu được thực tế đi qua cái gì.
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature khẳng định trong khi các nguyên tử sắt "rắn" trong cấu trúc mạng tinh thể, các phân tử carbon, hydro và oxy sẽ khuếch tán qua môi trường, tạo ra thứ giống chất lỏng, linh hoạt. Điều này cũng lý giải việc một số khảo sát cho thấy lõi trong của Trái đất dường như không phải khối vật chất đồng đều.