Trạm vũ trụ Trung Quốc có thể rơi tự do xuống Trái Đất

Các chuyên gia đang tranh cãi về thời gian và địa điểm trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc rơi tự do xuống Trái Đất.

Theo Space.com, Thomas Dorman, người chuyên ghi lại những chuyến bay của tàu vũ trụ bằng kính viễn vọng, ống nhòm và máy quay, cho rằng Trung Quốc có thể đã mất kiểm soát đối với Thiên Cung 1, trạm vũ trụ không người lái nặng 8 tấn.

"Nếu suy luận của tôi là đúng, Trung Quốc sẽ đợi tới phút chót trước khi chính thức công bố vấn đề. Nếu những mảnh vỡ của con tàu vũ trụ rơi xuống khu dân cư, hậu quả sẽ rất tệ nhưng cũng có khả năng nó sẽ rơi xuống biển hoặc nơi không người ở", Dorman cho biết.

Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc chưa xác nhận phương án kết thúc hoạt động của Thiên Cung 1, một số chuyên gia cho rằng con tàu vũ trụ có thể trở về Trái Đất một cách có kiểm soát.

Trạm Thiên Cung 1 là bàn đạp để Trung Quốc đưa tổ hợp tàu vũ trụ lớn hơn lên quỹ đạo Trái Đất vào năm 2020. Thiên Cung 1 được sử dụng để tiến hành các hoạt động ghép nối trong một loạt nhiệm vụ, gồm nhiệm vụ Thần Châu 8 không người lái năm 2011, nhiệm vụ Thần Châu 9 và 10 có người lái vào các năm 2012 và 2013.


Trạm Thiên Cung 1 trên quỹ đạo Trái Đất. (Ảnh: Wordpress).

Tàu Thần Châu 10 trở về Trái Đất vào tháng 6/2013, đánh dấu việc kết thúc các hoạt động ghép nối trên trạm Thiên Cung 1. Trạm Thiên Cung sau đó bước vào giai đoạn quản lý vận hành, trải qua nhiều thay đổi trong chế độ bay, diễn tập bảo dưỡng trên quỹ đạo và các hoạt động khác.

Theo Cơ quan Kỹ thuật Vũ trụ Trung Quốc (CMSE), trạm Thiên Cung 1 còn trang bị thiết bị quan sát Trái Đất và máy thăm dò môi trường vũ trụ. Thiên Cung 1 có nhiều ứng dụng và cung cấp dữ liệu khoa học quý giá về nghiên cứu nguồn khoáng sản, đại dương và rừng, giám sát môi trường thủy văn và sinh thái, sử dụng đất, giám sát môi trường nhiệt ở đô thị và kiểm soát thảm họa trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, đầu năm bay, CMSE đã ngừng các hoạt động thu thập dữ liệu của Thiên Cung 1. Lãnh đạo CMSE cho biết kết nối từ xa với trạm vũ trụ đã mất, chỉ ra khả năng con tàu sẽ rơi tự do trong tương lai.

Dorman chia sẻ những quan sát của ông củng cố khả năng trên. Dean Cheng, học giả ở Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Tổ chức Di sản ở Washington D.C, Mỹ, cũng có nhận định tương tự.

Cheng tỏ ra ngạc nhiên khi các nhà chức trách Trung Quốc không công bố chính xác thời gian trạm Thiên Cung 1 quay về Trái Đất, dù giai đoạn vận hành của trạm đã kết thúc. "Điều đó cho thấy trạm vũ trụ dường như không rời khỏi quỹ đạo theo kiểm soát", Cheng nói.

Một số chuyên gia khác bày tỏ ý kiến trái ngược. T.S. Kelso, nhà nghiên cứu động lực vũ trụ ở Trung tâm Tiêu chuẩn và Sáng kiến Vũ trụ (CSSI) ở Colorado, Mỹ, theo dõi ghi chép độ cao của trạm Thiên Cung 1 từ sau khi phóng đến thời gian gần đây. Theo Kelso, quỹ đạo của trạm được nâng lên cao hơn vào giữa tháng 12/2015.

Kelso cho biết không có cách đo trực tiếp độ ổn định của trạm Thiên Cung 1. "Nếu trạm đang rơi, tốc độ giảm độ cao của trạm tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tốc độ giảm độ cao ở mức chậm nhất trong những năm gần đây, tương ứng với lực cản thấp hơn ở độ cao lớn hơn", Kelso nhận xét.

Các dữ liệu của Kelso chỉ ra trạm Thiên Cung 1 không hoạt động nhưng vẫn ổn định. "Đó có thể là lý do Trung Quốc chưa lên tiếng. Dựa vào thông tin theo dõi mới nhất, nếu không tiếp tục tăng độ cao, tàu vũ trụ Trung Quốc sẽ trở về Trái Đất vào khoảng cuối năm 2017", Kelso dự đoán.

Trung Quốc đang lên kế hoạch phóng trạm vũ trụ kế tiếp là Thiên Cung 2 vào tháng 9 năm nay. Theo dự kiến, tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 11 sẽ ghép nối với Thiên Cung 2 sau đó một tháng.

Cập nhật: 13/06/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video