Những “con tàu Noah” thời hiện đại này liệu có trở thành sự thật một cách quá chóng vánh như mục tiêu của tỉ phú Elon Musk đề ra.
Ngày 31/5 đánh dấu 10 năm hoàn thành sứ mệnh Dragon đầu tiên của công ty SpaceX, hay COTS2, đến và rời Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Chỉ vài năm trước đó, vào ngày 28/9/2008, sứ mạng Dragon đã đạt tới quỹ đạo Trái đất trong lần phóng thứ tư với tên lửa Falcon 1.
Bất chấp những chê trách về hoạt động PR và những tuyên bố "phóng đại" về thời hạn mục tiêu của mình, thật khó có thể tranh cãi về thành tích ấn tượng của Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk khi nói đến tàu vũ trụ. Những tuyên bố xa vời nhất của ông khiến ngay cả những người đam mê vũ trụ nhưng hoài nghi cũng phải há mồm kinh ngạc.
Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của ông Musk được chia sẻ trên Twitter hôm 2/6, cùng với bài thuyết trình gây đây tại SpaceX, có thể sẽ gây tranh cãi và hoài nghi.
Kế hoạch là “chế tạo 1.000+ tàu Starship để vận chuyển sự sống lên sao Hỏa. Về cơ bản, đó là những con tàu Noah thời hiện đại”, ông Musk viết, nhắc lại tuyên bố từng đưa ra trong cuộc phỏng vấn với người phụ trách chương trình TED, Chris Anderson. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Musk nhấn mạnh SpaceX sẽ đạt được mục tiêu trên vào năm 2050.
Elon Musk cho biết SpaceX lên kế hoạch chế tạo 1.000 tàu vũ trụ Starship và sẽ phóng 3 chuyến mỗi ngày lên sao Hoả. (Ảnh: Insider)
Cho đến nay SpaceX vẫn chưa phóng được tàu vũ trụ sao Hỏa nào lên quỹ đạo, nhưng họ đang hy vọng sẽ thực hiện được chuyến bay đầu tiên trong mùa hè này, bất chấp NASA vẫn tiếp tục trì hoãn đánh giá yếu tố môi trường của tàu Starship.
Starship sẽ gồm hai phần
- Phần thứ nhất là bộ tên lửa đẩy giai đoạn đầu, cao 70 mét, được cung cấp lực bởi 32 động cơ Raptor 2.
- Phần thứ hai là tàu Starship, cao 50 mét, sẽ được đặt lên mũi của phần đầu. Trong bài thuyết trình tại SpaceX, ông Musk cũng hé lộ phương pháp triển khai của tàu Starship 2.0.
Lý do chính khiến các kế hoạch của Elon Musk có thể gây chia rẽ là, ngay cả với các tiêu chuẩn cao của SpaceX, chúng vẫn không mang tính thực tế. Một chỉ dấu chính cho điều này là tuyên bố của ông Musk không liên quan đến chương trình sao Hỏa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong khi Musk tuyên bố SpaceX sẽ đưa 1 triệu người lên sao Hỏa vào năm 2050, NASA chỉ đặt mục tiêu đưa những người đầu tiên lên “hành tinh Đỏ” – nhiều khả năng với sự hỗ trợ của SpaceX- vào những năm 2030 và 2040. NASA cũng đã khởi động một chiến dịch nghiên cứu khoa học kéo dài nhiều năm để chuẩn bị cho chương trình tham vọng này.
NASA gần đây công bố 50 mục tiêu then chốt mà họ mong muốn đạt được trước và trong sứ mạng sao Hỏa đầu tiên. Kế hoạch này phác thảo và nêu bật những trở ngại khắc nghiệt mà họ sẽ đối mặt, đơn cử như hệ cơ bắp của các phi hành gia sẽ suy thoái đến mức họ có thể khó đi lại ở ngay lần đầu tiên đến sao Hỏa.
“Thuộc địa hóa” sao Hỏa sẽ là một quá trình cực kỳ chậm, đẩy thử thách và không thiếu những sai lầm. Do đó, những người đầu tiên mà NASA dự định gửi đến “hành tinh Đỏ” sẽ là các nhà khoa học và chuyên gia được đào tạo.
Ngược lại, Musk gần đây đã tuyên bố rằng "hầu như bất kỳ ai" sẵn sàng chi tới 100.000 USD để mua vé Starship sẽ có thể lên sao Hỏa.
Một lý do nữa là vấn đề chi phí. Musk đã dự tính chi phí để xây dựng thành phố sao Hoả lên tới 10 ngàn tỉ USD. Các tính toán dựa trên giả định rằng một thành phố sẽ cần một triệu tấn hàng hóa từ Trái đất để hoạt động ở mức tối thiểu – theo lời Elon Musk trong cuộc phỏng vấn với CBS News vào tháng 7/2019.
Trong cuộc trò chuyện với tỷ phú Trung Quốc Jack Ma vào tháng 8 năm đó, Musk tuyên bố rằng dự án này sẽ có chi phí từ 0,5 đến 1% tổng sản phẩm của cả thế giới (GDP của thế giới). Con số này nằm ở khoảng giữa số tiền nhân loại chi tiêu cho mỹ phẩm và chi cho chăm sóc sức khỏe.
Không rõ SpaceX sẽ chi trả như thế nào cho dự án, vì các tên lửa của họ được phóng vào năm 2018 chỉ mang lại doanh thu 2 tỷ USD. Starlink, chùm vệ tinh kết nối internet của công ty, được kỳ vọng có thể lấp đầy khoảng cách khi một ước tính nội bộ của công ty cho thấy nó có thể mang lại doanh thu 20 tỷ USD vào năm 2025.
Theo trang I.E, có thể hiểu rằng Giám đốc điều hành của SpaceX đang bận rộn lan toả ước mơ của nhân loại về một nền văn minh du hành vũ trụ, nhưng tuyên bố “sao Hoả 2050” có nguy cơ đưa Musk vào tình trạng tương tự như ông đã làm với Tesla về năng lực tự lái Cấp độ 5. Ông càng đưa ra những tuyên bố thiếu bền vững, thì mọi người sẽ càng quên mất SpaceX đã đi được bao xa trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.