Tranh cãi về công nghệ tạo những em bé hoàn hảo

Các nhà khoa học kêu gọi cấm sử dụng công nghệ biến đổi gene trên phôi thai người để tạo ra những trẻ em mang gene tốt theo yêu cầu của bố mẹ..

Tranh cãi về việc sử dụng công nghệ biến đổi gene trên phôi thai người

Những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu gene, đặc biệt là việc phát triển một kỹ thuật biến đổi gene mang tên Crispr/Cas9, có thể cho phép các nhà khoa học thay đổi ADN của phôi thai người thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trước khi mức độ an toàn của công nghệ này được chứng thực.

Crispr/Cas9 giúp các nhà khoa học tùy chỉnh bộ mã di truyền ADN một cách chính xác bằng việc cắt một mẩu ADN từ tế bào người và thay thế nó bằng một đoạn mã di truyền khác.


Kỹ thuật Crispr/Cas9 cho phép thay đổi ADN của phôi thai người thụ tinh trong ống nghiệm. (Ảnh: SLR).

The Independent đưa tin, một nhóm các nhà khoa học ở Viện Francis Crick, London, Anh, đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng kỹ thuật Crispr/Cas9 trên phôi thai IVF. Mục đích của họ là nghiên cứu những vấn đề ban đầu ảnh hưởng tới phụ nữ bị sảy thai nhiều lần.

Thời gian tối đa để các phôi thai phát triển không vượt quá 14 ngày. Chúng sẽ bị hủy sau nghiên cứu và không được phép cấy vào tử cung để tránh vi phạm đạo luật về Sự thụ tinh ở người và Phôi thai do Anh ban hành vào năm 2008.

Tuy nhiên, theo giáo sư Robin Lovell-Badge, nhà khoa học cấp cao ở Viện Francis Crick, trong khi một số nước như Đức có lệnh cấm chặt chẽ hơn đối với những nghiên cứu kiểu này, nhiều nước chưa ban hành luật ngăn chặn các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật Crispr/Cas 9 trên phôi thai IVF để kiểm tra tính an toàn.

"Vấn đề thực sự khiến chúng tôi lo ngại nằm ở chỗ, giống như lĩnh vực tế bào gốc, các phòng khám có thể quảng cáo dịch vụ cung cấp những đứa trẻ hoàn hảo không mắc bệnh hoặc mang gene tốt. Hậu quả sẽ vô cùng đáng sợ. Chúng tôi mong muốn có những cơ chế quản lý để ngăn điều đó xảy ra trên toàn cầu", giáo sư Lovell-Badge chia sẻ.

Vào tháng 4 năm nay, tạp chí Nature công bố một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật CRISPR/Cas9 để biến đổi bộ gene của phôi thai người. Nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của Junjiu Huang, một nhà khoa học chuyên về chức năng gene ở Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn, Quảng Châu, tập trung vào biến đổi gene gây bệnh rối loạn thiếu máu di truyền β-thalassaemia. Nhóm nghiên cứu sử dụng các phôi thai không có khả năng sống sót, nhưng vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học và chính trị.


Các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm có thể lợi dụng kỹ thuật biến đổi gene để tạo ra những đứa trẻ hoàn hảo. (Ảnh: The Independent).

Sau khi nghiên cứu được công bố, Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ nhanh chóng xác nhận lại lệnh cấm gây quỹ cho nghiên cứu biến đổi gene trên phôi thai người, áp dụng cả với những phôi thai không có khả năng sống sót.

Vào ngày 2/9, 5 tổ chức nghiên cứu ở Anh đưa ra tuyên bố khuyến khích tiếp tục sử dụng CRISPR/Cas9 trong các nghiên cứu, bao gồm phôi thai người, nếu mục đích áp dụng không vi phạm luật pháp và quy tắc đạo đức.

Hinxton Group, một liên minh quốc tế bao gồm các nhà khoa học, triết học và đạo đức học, cảnh báo các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm có thể sử dụng những thành tựu trong công nghệ biến đổi gene một cách phi pháp, tương tự như việc cung cấp chữa trị bằng tế bào gốc cho bệnh nhân ở một số nước.

"Có một mối lo ngại lớn rằng công nghệ biến đổi gene có thể được áp dụng vào hoạt động sinh sản trước khi chúng ta có đủ dữ liệu ủng hộ cách làm đó và trước khi cộng đồng quốc tế có cơ hội cân nhắc lợi hại của phương pháp", tuyên bố của Hinxton Group sau cuộc họp vào tháng 9 ở Manchester, Anh, cho biết.

Theo liên minh Hinxton Group, áp lực cũng nảy sinh từ những cá nhân muốn sử dụng công nghệ biến đổi gene để phục vụ điều trị, sinh sản và nhiều nhu cầu khác.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video