Các khoa học gia vừa công bố một dạng “trí thông minh nhân tạo” có thể mô phỏng phong cách nghệ thuật của bất kỳ họa sĩ nào trên thế giới.
Phát minh có thể “hồi sinh” Van Gogh và Picasso
Các họa sĩ như Van Gogh và Picasso đã để lại kho tàng nghệ thuật có giá trị lớn. Nhưng cũng chính vì thế, việc họ qua đời đã để lại mất mát không nhỏ cho nhân loại.
Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học đã công bố một dạng “trí thông minh nhân tạo“ (Artificial Intelligence) chứa thuật toán có thể mô phỏng phong cách nghệ thuật của các họa sĩ. Qua đó, phát minh này được kỳ vọng có thể “hồi sinh” không chỉ Picasso, Van Gogh, mà là bất kỳ họa sĩ nào trên thế giới.
Bức "Đêm đầy sao" - The Starry Night của Van Gogh (trái) và bức tranh được thực hiện bởi phần mềm (phải)
Theo đó, dạng trí thông minh nhân tạo này có thể học theo phong cách vẽ của các họa sĩ, rồi sau đó có thể vẽ các bức tranh mới toanh theo phong cách đó.
Bức tranh Seated Nude của Pablo Picasso (trái) và bức tranh mô phỏng lại phong cách nghệ thuật của ông (phải)
Các nghiên cứu viên thuộc ĐH Tubingen (Đức) cho biết: “Trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa, các họa sĩ có khả năng tạo nên những trải nghiệm hình ảnh độc nhất vô nhị bằng sự kết hợp giữa nội dung truyền tải, và phong cách nghệ thuật của họ. Vì thế cho đến nay, chưa có thuật toán nào có thể xác định được điều này”.
Bức Composition VII bởi Wassily Kandinsky và bức tranh mô phỏng
Tuy nhiên, dựa trên một hệ thống nhận dạng hình ảnh sinh học mang tên “Deep Neural Networks” của Google, các nghiên cứu viên đã phát triển một hệ thống có khả năng tạo nên các hình ảnh nghệ thuật có chất lượng cao. Theo đó: “Hệ thống có thể tách và kết hợp nội dung, phong cách của bức tranh, sau đó tạo nên một thuật toán để mô phỏng lại phong cách nghệ thuật đó”.
Hệ thống mới cho phép mô phỏng lại phong cách của J.M.W Turner trong bức "Shipwreck of the Minotaur"
Các chuyên gia cho biết, phần mềm sẽ dựa trên thông tin từ bức tranh, phân tích và nhấn mạnh những đặc điểm độc đáo của nó, rồi sau đó tạo nên một bức tranh khác.
Hệ thống hiện vẫn còn gặp phải một số vấn đề, đó là chưa thể thực hiện chính xác nhất những gì được ra lệnh. Ví dụ như khi ra lệnh cho hệ thống phân tích bức tranh “Tiếng hét” của Edvard Munch, kết quả có thể cho ra… một chú chó.
"The Scream" của Edvard Munch trở thành... một chú chó
Tuy nhiên trong tương lai, các khoa học gia tin rằng phần mềm này có thể giúp chúng ta “hồi sinh” khả năng hội họa của những họa sĩ thiên tài trong lịch sử.