Trong hoa đu đủ đực có chất gì mà được đồn là "diệt tế bào ung thư"?

Có nhiều thông tin trên mạng cho rằng hoa đu đủ đực "diệt được tế bào ung thư". Chuyên gia phân tích hợp chất và tác dụng đã được chứng minh của hoa đu đủ đực.

Hiện nay, trên các mạng xã hội và hội nhóm bệnh nhân ung thư, nhiều người truyền tai nhau rằng uống nước hoa đu đủ đực (carica papaya) có thể "diệt được tế bào ung thư". Hoa đu đủ đực trở thành mặt hàng hot, giá trung bình từ 500.000 - 700.000 đồng/kg.

TS BS. Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 cho hay cho đến hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào đủ mạnh để khẳng định rằng hoa đu đủ đực có thể chữa khỏi ung thư hoặc tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả.

Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, một số hợp chất có trong cây đu đủ, bao gồm cả hoa đu đủ đực, được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư trong điều kiện phòng thí nghiệm.

"Tuy nhiên, các kết quả này chưa được xác nhận trên người, và việc sử dụng hoa đu đủ đực như một liệu pháp điều trị ung thư vẫn còn rất hạn chế và chưa được các tổ chức y tế chính thức công nhận", TS Mẫn cho hay.


Hoa đu đủ đực (ảnh minh họa).

Các hợp chất có trong cây đu đủ, hoa đu đủ

Dược sĩ Trương Minh Nhựt, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3, cho hay cây đu đủ chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như enzyme papain, alkaloid, flavonoid, polyphenol. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất này có thể có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống lại một số loại tế bào ung thư trong ống nghiệm.

Trong đó, papain là một enzyme được cho là có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch. "Các nghiên cứu về papain chủ yếu tập trung vào khả năng tiêu hóa protein và tác dụng giảm viêm hơn là tác dụng chống ung thư", dược sĩ Nhựt nói.

Một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng dịch chiết từ lá, hạt, và rễ cây đu đủ có thể có tác dụng chống lại một số tế bào ung thư trong ống nghiệm, nhưng chưa có nghiên cứu sâu về hoa đu đủ đực. Ngoài ra, các nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật, và kết quả không thể áp dụng trực tiếp cho người.

TS Mẫn cho hay hoa đu đủ đực có enzyme papain có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp cải thiện các triệu chứng khó tiêu. Một số nghiên cứu cho thấy hoa đu đủ đực có tác dụng giảm viêm, có thể hữu ích trong việc điều trị các bệnh viêm nhiễm nhẹ.

Ngoài ra, hoa đu đủ đực chứa flavonoid và các chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do.

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn nào trên người xác nhận hiệu quả và độ an toàn của việc sử dụng hoa đu đủ đực trong điều trị ung thư.

"Do đó, việc sử dụng hoa đu đủ đực để điều trị ung thư cần thận trọng, và bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ liệu pháp nào ngoài các phương pháp điều trị tiêu chuẩn", dược sĩ Nhựt cho hay.


Hoa đu đủ đực khô (ảnh minh họa).

Lưu ý khi sử dụng hoa đu đủ đực

Bác sĩ Mẫn tư vấn hoa đu đủ đực có thể được dùng dưới dạng nước ép, sắc uống hoặc dạng bột.

  • Liều lượng thông thường là 10-15 gram hoa đu đủ khô (tương đương khoảng 30-50 gram hoa tươi) để nấu nước uống hàng ngày.
  • Nếu dùng dưới dạng bột, mọi người có thể dùng từ 5-10 gram pha với nước ấm uống hàng ngày.

Dược sĩ Nhựt cho biết khi dùng hoa đu đủ đực, người dân cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Tương tác thuốc: Hoa đu đủ đực có thể tương tác với một số thuốc điều trị bệnh khác, do đó người đang điều trị bệnh mãn tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Phản ứng dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với đu đủ, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng lần đầu.
  • Không nên lạm dụng: Việc sử dụng hoa đu đủ đực trong thời gian dài mà không có sự giám sát của bác sĩ có thể dẫn đến tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy.

"Hoa đu đủ đực có một số tác dụng có lợi cho sức khỏe, nhưng không nên xem nó như một liệu pháp thay thế cho các phương pháp điều trị ung thư hiện đại. Việc sử dụng hoa đu đủ đực nên được thực hiện một cách có kiểm soát và dưới sự tư vấn của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả", dược sĩ Nhựt khuyến cáo.

Cập nhật: 21/08/2024 ĐSPL
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video