Trong tương lai, chúng ta sẽ xuống đáy biển cào... kim cương

Trong tương lai, những viên kim cương tốt nhất trên thế giới chắc chắn đến từ đại dương, trang tin Quartz nhận định trong bài viết đáng chú ý mới đây.

Bị cuốn từ con sông Cam thuộc miền nam châu Phi từ thời những con khủng long còn đi dạo trên mặt đất, những cục kim cương cỡ bự đã có một hành trình lênh đênh theo con nước đến Đại Tây Dương.

Những viên kim cương mong manh sẽ bị đại dương nghiền nát và những viên cứng nhất, bền bỉ nhất sẽ được đánh bóng và hoàn thiện. Chúng là những viên kim cương tốt nhất thế giới.

Trữ lượng dồi dào

Trong những thế kỷ gần đây, các nhà địa chất học đã suy luận rằng vì kim cương được tìm thấy dưới đáy sông Cam của Namibia, vậy có khả năng nó cũng hiện diện dưới đáy biển. Và các công ty khai mỏ đã tìm thấy cơ hội mới của mình dưới lòng đại dương.

Không chỉ nhiều về số lượng, những viên kim cương dưới biển còn là những viên đá giá trị nhất thế giới với độ trong suốt hơn hẳn so với kim cương trên đất liền.


Quy trình khai thác kim cương dưới đáy biển. Nguồn: Tập đoàn De Beers - (Đồ họa: TẤN ĐẠT).

Dòng nước đã cuốn những viên đá đắt giá xuống đáy biển ngoài khơi Namibia - một quốc gia ở phía nam châu Phi và tạo nên một mỏ kim cương dưới đáy biển lớn nhất thế giới. Ước tính vùng lãnh hải Namibia có trữ lượng 80 triệu carats kim cương.

Hiện trên thế giới nguồn cung kim cương ở đất liền đang cạn kiệt, không có khu mỏ mới nào mang lại lợi ích kinh tế đáng kể được phát hiện trong 20 năm qua. Các nhà phân tích dự báo các mỏ ở Canada và Úc sẽ hết trong 5 năm tới.

Còn các mỏ ở Botswana - một quốc gia nằm kín trong lục địa ở phía nam châu Phi, nơi Công ty De Beers đóng trụ sở chính - sẽ hết nguồn dự trữ kim cương vào năm 2030. Nguồn cung kim cương thô trên toàn cầu sẽ giảm 2% mỗi năm đến năm 2030. Đến năm 2050, nguồn cung sẽ hoàn toàn cạn kiệt.

Mức độ sụt giảm nguồn cung kim cương có thể đã cao hơn, nếu không có sự bù đắp từ nguồn cung kim cương dưới đáy biển.

Ông Bruce Cleaver, giám đốc De Beers, cho biết: "Khi các mỏ kim cương trên cạn (ở Namibia) đang dần cạn kiệt, việc tìm kiếm những nguồn kim cương lâu dài là rất quan trọng cho chúng tôi và cả cho Namibia".

Từ năm 1991, De Beers - tập đoàn khai thác kim cương lớn nhất thế giới - đã lặng lẽ xây dựng một "đội quân" khai thác kim cương ngoài khơi để trục vớt những viên đá quý này. Debmarine, công ty con của De Beers, đạt được thỏa thuận độc quyền với Chính phủ Namibia trong việc khai thác kim cương ở quốc gia này trên diện tích 7.800km2.

Đến nay, mới 3% diện tích được khai thác. Năm 2016, các công ty khai thác đã thu số đá quý trị giá 600 triệu USD ngoài khơi Namibia.

Đại diện Debmarine dự đoán số lượng kim cương từ đáy biển sẽ nhanh chóng tăng lên 94% tổng số kim cương khai thác ở Namibia. Kể từ khi các mỏ kim cương dưới đáy biển được đưa vào khai thác 14 năm trước, 16 triệu carats đã được khai thác từ đại dương và 62 triệu carats được khai thác trên đất liền ở Namibia.

Quan ngại về môi trường

Mỗi chiếc trong đội tàu khai thác kim cương của Debmarine được trang bị máy khoan hoặc "máy cày" để cào đáy biển và hút lớp chất trầm tích lên tàu.

Theo Washington Post, có thể hình dung các tàu hút kim cương giống như các giàn khoan dầu. Mỗi chiếc tàu dài khoảng 92m, với sân đậu máy bay trực thăng.

Khi máy hoạt động, trầm tích được cào và hút lên bằng đường ống. Hỗn hợp trầm tích được chạy qua hệ thống lọc và tia X để tách riêng kim cương. Mỗi chiếc máy hút được 630 tấn vật liệu mỗi giờ và công ty thu về khoảng 80 carats kim cương - chừng một lòng bàn tay. Phần trầm tích không còn kim cương được trả lại biển cả.

Emily Jeffers - luật sư làm việc tại Trung tâm Đa dạng sinh học, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ - nói: "Mối quan tâm của tôi về vấn đề này và tất cả các hoạt động khai thác biển sâu là chúng ta không có nhiều hiểu biết về biển sâu. Có thể họ sẽ gây ra những tổn hại vĩnh viễn đến môi trường và sinh vật dưới biển sâu trước khi chúng ta phát hiện chúng".

Công ty De Beers cho biết các hoạt động ngoài khơi không gây ra thiệt hại sinh thái đáng kể vì trầm tích được trả lại biển, cuối cùng sẽ lắng lại và họ cũng thuê các nhà sinh thái học theo dõi môi trường vùng biển nơi họ khai thác để đảm bảo rằng vùng biển được phục hồi sau hoạt động khai thác.
HỒNG VÂN

Cập nhật: 02/11/2017 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video