Đó là tín hiệu vô tuyến lặp đi lặp lại gần như định kỳ từ một "vi chuẩn tinh" lạ lùng mang tên GRS 1915+105, được một nhóm nhà khoa học quốc tế đồng xác nhận.
Tín hiệu vô tuyến bí ẩn đã được kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 m (FAST, đặt tại huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu - Trung Quốc) bắt được và là dạng tín hiệu chưa từng thấy trong thế giới các "quái vật" vi chuẩn tinh.
Ảnh đồ họa mô tả một vi chuẩn tinh đang truyền tín hiệu lạ xuống hệ thống FAST, một trong những kính viễn vọng vô tuyến mạnh nhất thế giới - (Ảnh: ĐH VŨ HÁN).
Vi chuẩn tinh này là một lỗ đen khối lượng sao, nặng xấp xỉ 10 lần Mặt trời. Do đang ngấu nghiến vật chất điên cuồng, nhìn từ Trái Đất, nó phát sáng như một ngôi sao nên được xếp vào nhóm "chuẩn tinh", còn "vi" nhằm phân biệt với các chuẩn tinh từ lỗ đen siêu khối thường thấy.
Nhóm nhà khoa học quốc tế, dẫn đầu bởi giáo sư Wei Wang từ ĐH Vũ Hán (Trung Quốc), đã xem xét cẩn thận "quái vật" này vì tín hiệu nó phát ra vô cùng kỳ lạ. Nó là dạng tín hiệu dao động định kỳ (QPO).
Theo giáo sư Wang, tín hiệu như vậy không phải lúc nào cũng tồn tại và chỉ xuất hiện trong những điều kiện vật lý đặc biệt. Nhóm đã may mắn bắt được tín hiệu vào tháng 1-2021 và tháng 6-2022, đủ để nhận ra đường cong ánh sáng của nó thay đổi bán định kỳ khoảng 20-50 phút.
Nhà vật lý thiên văn Bing Zhang từ Trường ĐH Nevada ở Las Vegas (UNLV - Mỹ), đồng tác giả, cho biết tín hiệu độc đáo này có thể cung cấp bằng chứng đầu tiên về một luồng phản lực phát ra từ một lỗ đen khối lượng sao thiên hà.
Sự can thiệp của một dòng tia chưa được biết đã tạo nên chu kỳ lạ lùng của tín hiệu, khiến nó giống như đang cố gửi mật mã cho chúng ta theo nhịp đều đặn.
Tất nhiên, dù bằng cách gì thì các nhà thiên văn cũng tin rằng tín hiệu vô tuyến "trêu ngươi", y như của người ngoài hành tinh này, chắc chắn chỉ là một ngẫu nhiên thú vị.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature, ngoài sự đóng góp của ĐH Vũ Hán và UNLV còn có 11 trung tâm học thuật khác trên khắp thế giới, bao gồm Đài Quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc.