Trung Quốc giải mã bí ẩn ADN giúp linh dương Tây Tạng sống sót trên cao nguyên

Các nhà khoa học Trung Quốc đã giải mã thành công bộ gene ở cấp độ nhiễm sắc thể của loài linh dương Tây Tạng quý hiếm, với mục đích khám phá bí quyết giúp chúng tồn tại ở những độ cao lớn.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) ngày 6/12 xác nhận rằng các nhà nghiên cứu tại Viện Sinh học Cao nguyên Tây Bắc thuộc CAS và Đại học Thanh Hải đã hoàn thành việc giải mã bộ gene này. Đây được cho là bộ gene chính xác và đầy đủ nhất của loài linh dương Tây Tạng cho đến nay.


Các nhà khoa học Trung Quốc đã giải mã thành công bộ gene ở cấp độ nhiễm sắc thể của loài linh dương Tây Tạng quý hiếm. (Ảnh: Xinhua).

Linh dương Tây Tạng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học tại Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Nhà nghiên cứu Trương Tông Tố (Zhang Tongzuo) cho biết thành tựu này không chỉ đánh dấu bước tiến về mặt kỹ thuật trong nghiên cứu di truyền của loài linh dương Tây Tạng, mà còn cung cấp nền tảng quan trọng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực.

Ông giải thích rằng, việc phân tích bộ gene của linh dương Tây Tạng sẽ giúp dự đoán khả năng sống sót của chúng trước các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai, từ đó có thể đưa ra các biện pháp bảo tồn hiệu quả hơn. Nghiên cứu này cũng giúp xác định các quần thể linh dương cần được bảo vệ đặc biệt để duy trì hoặc tăng cường sự đa dạng di truyền.

Ông nhấn mạnh: “Điều này đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan bệnh tật trong các quần thể hoang dã”.

Ngoài ra, bộ gene này còn hỗ trợ nghiên cứu mối quan hệ giữa các quần thể linh dương Tây Tạng khác nhau. Theo ông Trương Tông Tố, những hiểu biết này rất quan trọng trong việc thiết kế các khu bảo tồn phù hợp và xây dựng kế hoạch bảo tồn xuyên vùng.

Kể từ năm 2022, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa rộng rãi và giám sát chặt chẽ các cá thể linh dương, đồng thời giải mã bộ gene của chúng bằng công nghệ giải trình tự thế hệ thứ ba.

Ông Trương Tông Tố cho biết: “Thông qua việc so sánh bộ gene của linh dương Tây Tạng với các loài khác trong phân họ Caprinae như bharal và cừu nhà, chúng ta có thể truy tìm lịch sử tiến hóa của chúng và khám phá cách chúng đồng tiến hóa với môi trường cao nguyên trong suốt hàng triệu năm”.

Những phát hiện này không chỉ làm sáng tỏ cơ chế tiến hóa của loài này, mà còn cung cấp cơ sở tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu khả năng thích nghi của các loài sinh vật vùng cao khác.

Linh dương Tây Tạng, với bộ lông màu nâu nhạt, sinh sống tại các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Changtang ở Tây Nam khu tự trị Tây Tạng, Hoh Xil ở tỉnh Thanh Hải và khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Núi Altun ở Tân Cương, ở độ cao từ 3.700 đến 5.500 mét. Các khu vực này nằm liền kề nhau.

Bộ lông tơ mịn của linh dương Tây Tạng từng bị săn lùng ráo riết, dẫn đến nạn săn trộm tràn lan trong những năm 1980 và 1990, đe dọa sự tồn vong của loài này. Vào năm 1995, số lượng linh dương Tây Tạng chỉ còn khoảng 50.000 đến 75.000 cá thể. Hiện nay, số lượng linh dương Tây Tạng ở Tây Tạng đã tăng lên hơn 300.000 cá thể, và tình trạng bảo tồn của chúng đã được giảm từ “nguy cấp” xuống “gần nguy cấp”, theo dữ liệu của cơ quan bảo vệ môi trường và sinh thái khu vực này.

Cập nhật: 09/12/2024 TTXVN/Báo Tin tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video