Ngày 29/3, Trung Quốc đã xác nhận ca tử vong thứ 15 vì cúm gia cầm kể từ khi dịch cúm H5N1 bùng nổ vào cuối năm 2003.
Sự khẳng định càng rung lên tiếng chuông báo động trong cộng đồng về các tiêu chuẩn giám sát quốc gia khi nạn nhân tử vong không có tiếp xúc với các loại gia cầm bị nhiễm bệnh.
Theo thông báo của Bộ Y tế Trung Quốc, một cậu bé họ Vũ (Wu), 16 tuổi từ thành phố Bengbu, phía đông tỉnh An Huy, đã chết vào đêm thứ ba ngày 27/3 sau khi đã điều trị tại BV tỉnh này gần 10 ngày. Nhập viện vào ngày 18/3, cậu bé có những triệu chứng của cúm gia cầm như bị viêm phổi, sốt cao, và đau cơ.
Nỗi lo sợ vì cúm gia cầm... Những người bán hàng không còn dùng tay bắt vịt mà chỉ di chuyển các thúng đựng vịt con ở một khu chợ gia cầm ở Hợp Phì, tình An Huy. (Nguồn: Brisban Times) |
Cậu bé không có tiền sử tiếp xúc với những gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc chết do H5N1, trong khi không có một trận dịch nào trên gia cầm được thông báo tại tỉnh An Huy.
"Trong số 24 ca bị nhiễm cúm gia cầm ở Trung Quốc, đây là trường hợp thứ 23 trên người được báo cáo tại những nơi chúng tôi không được cảnh báo trước bởi sự bùng nổ của dịch cúm trên gia cầm," Joanna Brent, phát ngôn viên của tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organisation - WHO) tại Bắc Kinh, nói.
Theo Joanna Brent, điều đó hoàn toàn không phù hợp với những gì mà dịch cúm gia cầm đang xảy ra trên toàn thế giới. Ở các quốc gia khác, hầu hết các ca nhiễm bệnh trên người đều có những bằng chứng hoặc sự bùng nổ dịch cúm trên gia cầm hoặc có sự tiếp xúc giữa nạn nhân với gia cầm bị bệnh hoặc chết vì vi-rút H5N1.
"Trung Quốc đã xử lý ca này rất tốt, nhưng thách thức đối với họ là tăng cường kiểm tra và giám sát tình trạng bùng phát dịch cúm H5N1 trên gia cầm," Brent nói.
Cũng trong ngày 29/3, Bộ Y tế Indonesia cũng đã cho biết thêm 2 người Indonesia khác đã chết vì cúm gia cầm H5N1.
Theo Runizar Ruesin, người đứng đầu trung tâm thông tin cúm gia cầm của Bộ Y tế Indonesia, một người đã chết ở hòn đảo Sumatra và một người khác đã tử vong tại một bệnh viện quân đội ở thủ đô Jakarta.
"Ngay trong lần kiểm tra đầu tiên, các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân đều cho kết quả dương tính," ông Runizar Ruesin cho biết. Những ca tử vong này đã nâng tổng số người chết vì cúm gia cầm tại đất nước Đông Nam Á này lên 71, cao nhất thế giới.
Trước đó, hồi cuối tuần qua, Indonesia đã chính thức xác nhân 3 ca khác tử vong vì căn bệnh này trong tổng số gần 90 người nhiễm bệnh cúm A/H5N1.
Chính phủ Indonesia hy vọng trong năm nay sẽ ngăn chặn số người nhiễm bệnh cúm gia cầm. Các nhà khoa học nhận định rằng khuynh hướng những bệnh phức tạp đã bắt nguồn từ phía nam Trung Quốc và lan rộng ra khắp nơi. Họ lo sợ rằng trong thời gian tới vi-rút có thể biến thể dễ dàng lây nhiễm giữa người và người, khiến cho toàn cầu sẽ hứng chịu một đại dịch có khả năng giết chết hàng triệu người.
Trước khi Trung Quốc thông báo ca tử vong thứ 15, WHO cho biết từ năm 2003, dòng vi-rút H5N1 đã làm 284 người nhiễm và 169 người tử vong ở 12 quốc gia Châu Á và châu Phi. Hầu hết nạn nhân tập trung ở vùng Đông Nam Á.
Việt Nam là quốc gia có số người chết vì cúm gia cầm lớn thứ hai trên thế giới, 42 người. Tuy nhiên, từ năm 2005, Việt Nam không có báo cáo thêm một ca nào tử vong.
Hương Cát