Trong thời điểm các tuyến đường sắt cao tốc tại Anh đang bị ngừng hoạt động do băng tuyết thì Trung Quốc đã cho khánh thánh tuyến đường sắt tốc độ cao nhất thế giới vào những ngày lạnh nhất trong năm.
Sau nhiều ngày các tuyến đường sắt của Eurostar tại Anh bị hủy bỏ khiến hàng nghìn người mắc kẹt, hệ thống đường sắt mới của Trung Quốc đã khánh thành với tốc độ trung bình 345 km/h.
Điều đáng ngạc nhiên là hệ thống này chỉ mất 4 năm xây dựng. Hệ thống đường sắt siêu cao tốc giúp giảm thời gian di chuyển trên tuyến đường dài 1.000 km này xuống còn 3 giờ, giảm 7,5 giờ so với trước đây.
Những hành khách đang lên chuyến tàu siêu cao tốc từ Vũ Hán đi Quảng Châu
Hệ thống đường sắt này bắt đầu được xây dựng từ năm 2005, nằm trong kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông cao tốc nối liền Bắc Kinh với Quảng Châu, trung tâm kinh tế mới nằm ở phía Nam Trung Quốc, gần với Hong Kong.
Các chuyến chạy thử được thực hiện từ đầu tháng 12 và chuyến tàu chính thức đầu tiên đã diễn ra hôm 26/12 vừa qua xuất phát từ thành phố Vũ Hán.
Ông Zhang Shuguangm, Giám đốc vận tải Tổng cục hỏa xa Trung Quốc, cho biết: "Tốc độ tối đa của những chiếc tàu này là 394 km/h, và hiện nó là tuyến đường sắt có tốc độ cao nhất thế giới".
Để so sánh, ông Xu Fangliang, kỹ sư trưởng thiết kế hệ thống đường sắt trên cho biết: "Tàu cao tốc của Nhật chỉ có tốc độ trung bình 241 km/h, còn ở Pháp là 277 km/h".
Trung Quốc lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế
Trung Quốc đang tiến hành một kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng mạng lưới đường sắt quốc gia từ 86.000 km lên 120.000 km, trở thành hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên vào Thế vận hội Bắc Kinh 2008, nối liền Bắc Kinh với thành phố Thiên Tân.
Vào tháng 9/2009, Trung Quốc tuyên bố đang lên kế hoạch hoàn thành 42 tuyến đường sắt cao tốc trước năm 2012, nằm trong những nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời kỳ thế giới suy thoái.
Những chuyến tàu cao tốc này có nhiều ưu điểm hơn máy bay:
thuận tiện, đúng giờ và an toàn hơn
Hệ thống đường sắt cao tốc trên được hoàn thành bởi sự cộng tác với các hãng Siemens, Bombardier và Alstom. Tuyến đường sắt cao tốc trên có giá vé là 113 USD ghế hạng nhất, còn hạng hai có giá 72 USD.
Tuyến đường sắt trên ra đời sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gớm của các hãng hàng không. Si Xianmin, giám đốc China Southern Airlines, hãng hàng không nội địa lớn nhất Trung Quốc cho biết: "Đường sắt cao tốc có ba lợi thế so với đường không: thuận tiện hơn, giờ giấc chính xác và an toàn hơn. Nó có thể sẽ giảm thị phần ngành hàng không. Từ bây giờ, 38/160 đường bay nội địa của China Southern Airlines sẽ cạnh tranh với các tuyến đường sắt cao tốc".
Hàng trăm hành khách đứng chờ lên chuyến tàu cao tốc đầu tiên.
Tuyến đường sắt tiếp theo nối giữa Vũ Hán và Hợp Phì, tỉnh An Huy sẽ bắt đầu hoạt động từ 1/4/2010. Để cạnh tranh lại, hãng hàng không China Southern Airlines đã giảm gần một nửa giá vé đường bay Vũ Hán - Quảng Châu đồng thời ký thỏa thuận với các sân bay Vũ Hán và Trường Sa để ưu tiên các chuyến bay tới Quảng Châu được đúng giờ.
Một công nhân đi giữa hai đầu máy tại nơi chế tạo tàu siêu cao tốc
Giáo sư Zhao Jian, ĐH Jiaotong, Bắc Kinh, cho biết: "Nếu các hãng đường sắt lặp lại chính sách chuyển các vé tàu giá rẻ lên các chuyến tàu chậm hơn như đã làm khi khai trương tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thiên Tân vào năm ngoái thì có hãng hàng không có thể chiến thắng. Nhưng dù bên nào thắng thì khách hàng vẫn là những người chiến thắng cuối cùng".