Trung Quốc: Nhiều người tử vong vì liệu pháp tế bào gốc

Tuyệt vọng trước các bệnh nan y, nhiều bệnh nhân đã tới các bệnh viện ở Trung Quốc điều trị theo "liệu pháp tế bào gốc". Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phương pháp điều trị này không hoặc rất ít được chứng thực khoa học và mới chỉ cho kết quả tốt qua các thử nghiệm.

Bỏ tiền mua cái chết

Hong Chun, một giám đốc khách sạn người Trung Quốc gặp khó khăn với việc dùng đũa ăn sau ca đột quỵ nhỏ khiến anh phải tìm đến một bệnh viện lớn ở Thượng Hải để điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã tiêm vào tủy sống và mông của anh một loại thuốc mà họ gọi là tế bào gốc được hiến tặng.

Khi rời bệnh viện vào ngày hôm sau, anh Hong, 27 tuổi, vẫn cảm thấy ốm yếu và quyết định tới khám ở một bệnh viện khác. Thế nhưng các bác sĩ đã không thể cứu vãn được tình hình do anh đã bị chết não trước khi tử vong sau đó một tháng.

Một trường hợp tương tự khác, phải chịu đựng cảnh đau đớn từ bệnh xơ gan giai đoạn cuối gây ra do virus viêm gan B, bà Fan Hongkun, 63 tuổi đã bị thuyết phục đến mức tin rằng cơ thể của mình sẽ tự phát triển một lá gan khỏe mạnh nếu được cấy tế bào gốc.


Liệu pháp tế bào gốc mới chỉ cho kết quả tốt trong các thử nghiệm lâm sàng.

"Chúng tôi nhìn thấy liệu pháp này được quảng cáo trên mạng và đã nói chuyện với bác sĩ qua điện thoại. Ông ấy nói rằng, tế bào gốc giống như các hạt giống, sau khi được cấy trên gan, chúng sẽ phát triển, phân chia, lan tỏa và cuối cùng hình thành một gan khỏe mạnh," Zhou Junjie, con trai của bà Fan kể lại.

Bà Fan đã đến Bệnh viện đa khoa quân đội Bắc Kinh với hy vọng chữa khỏi bệnh. Tại đây các bác sĩ đã thôi cho bà uống thuốc lamivudine trong bốn tuần để "chuẩn bị cho các liệu pháp tế bào gốc". Thế nhưng, bà đã rơi vào tình trạng hôn mê trước khi bác sĩ có thể điều trị.

Một vài trường hợp như thế này liên quan đến các bệnh viện đa khoa lớn, nơi bệnh nhân phải trả hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn đô la cho phương pháp điều trị được quảng cáo trên mạng. Bệnh nhân ra viện với rất ít hoặc không có tiến triển nào, thậm chí một số đã tử vong.

Theo hóa đơn mà Reuters có được thì anh Hong đã phải trả 30.000 nhân dân tệ (4.800 USD) cho Quân y viện 455 ở Thượng Hải để điều trị năm ngoái.

Cha của anh Hong, ông Hong Gensho đã tới Thượng Hải để yêu cầu giải thích. Tuy nhiên, ban quản lý bệnh viện nói rằng con trai ông đã không chết trong bệnh viện của họ và trả ông 80.000 nhân dân tệ rồi đề nghị ông không theo kiện vụ việc.

Chưa đủ bằng chứng khoa học

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo bệnh nhân tìm đến các phòng khám và bệnh viện ở Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và một số nước khác để điều trị theo liệu pháp tế bào gốc chưa qua thử nghiệm lâm sàng và không được công nhận như phác đồ tiêu chuẩn.

"Du lịch tế bào gốc được coi là vấn đề đạo đức vì bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp chưa được chứng thực theo các nguồn không đáng tin cậy". Tiến sĩ David Resnik thuộc Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ và Zubin Master ở Đại học Alberta Canada đã viết như vậy trong một bài báo công bố trên tạp chí của Tổ chức Sinh học phân tử châu Âu.

Cùng chung mối lo ngại tương tự, Tiến sĩ George Daley ở Viện Tế bào gốc Harvard cho biết, ông đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các bệnh nhân hỏi về phương pháp trị liệu ở Trung Quốc và Brazil cho các bệnh, từ Alzheimer tới tổn thương tủy sống.

"Điều tôi muốn nói là các phương pháp điều trị thiếu tính pháp lý, thậm chí chưa trải qua thử nghiệm lâm sàng, nhưng lại là các liệu pháp được tiếp thị trực tiếp... Chúng tôi thực sự không có ý tưởng làm thế nào để sử dụng tế bào gốc cho các phương pháp điều trị này", Daley nói với Reuters.

Giới nghiên cứu tin rằng y học tái sinh sẽ là một liệu pháp điều trị có tác dụng mạnh mẽ trong tương lai. Tế bào gốc là những tế bào chủ, chưa trưởng thành trong cơ thể, có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào hoặc mô nào của con người. Các nhà khoa học còn đang nghiên cứu làm thế nào sử dụng chúng để điều trị nhiều loại bệnh và các rối loạn, trong đó có bệnh tiểu đường, ung thư và chấn thương.

Nhưng hiện nay, họ nhấn mạnh rằng, chỉ có một dạng liệu pháp tế bào gốc là đã được chứng minh hiệu quả.

“Chỉ có cấy ghép tủy xương cho các bệnh như u lympho, bạch cầu là được chứng thực vững chắc và có các quy trình lâm sàng rõ ràng. Các bệnh khác chưa đạt tới mức độ đó", David Siu, phó giáo sư lâm sàng Khoa tim mạch thuộc bệnh viện Queen Mary của Hồng Kông cho biết.

"Đã có bằng chứng cho thấy một số tế bào gốc nhất định có thể phát triển thành mô mới nhưng liệu chúng đã có hiệu quả điều trị hay chưa? Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy bằng chứng nào. Một số mới chỉ dừng ở nghiên cứu lâm sàng”, ông Siu nói.

Đối với các trường hợp được đề cập đến trong bài viết này - khuyết tật gây nên do đột quỵ và xơ gan – các chuyên gia nói rằng không có phương pháp điều trị tế bào gốc đã được chứng minh.

Tuy nhiên, thử nghiệm các liệu pháp tế bào gốc có thể được thực hiện hợp pháp cho bệnh nhân, nhưng phải trong khuôn khổ các thử nghiệm lâm sàng được Ban pháp quy bệnh viện phê duyệt để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn đạo đức được đáp ứng.

“Bệnh nhân cần phải được biết họ sẽ được điều trị như thế nào, những tế bào gốc nào được sử dụng và chúng được lấy từ đâu. Họ không nên chấp nhận bất kỳ liệu pháp nào dựa trên tin đồn, hoặc không được cơ quan chuyên môn đánh giá”, các chuyên gia cảnh báo.

Theo Bee
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video