Trung Quốc nuôi và cấy ghép thành công tai từ tế bào sụn

Kết hợp kĩ thuật in 3D và công nghệ nuôi cấy tế bào, các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc tạo hình tai mới cho 5 trẻ em bị mắc chứng "tai nhỏ" - khuyết tật ảnh hưởng đến hình dáng tai và chức năng nghe.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thu thập tế bào sụn của 5 trẻ em bị mắc chứng tai nhỏ để nuôi thành tế bào sụn mới và tạo hình chiếc tai mới cho riêng mỗi bệnh nhân. Tai mới được nuôi trong khuôn in 3D theo hình dáng chiếc tai lành của người bệnh.

Chiếc tai được nuôi từ mô sụn sau đó được lắp vào bên tai bị tật.

Kết quả nghiên cứu này được đăng vào số tháng 1 trên tạp chí EbioMedicine và là nghiên cứu đầu tiên đã thành công trên cùng lúc nhiều người.

Nghiên cứu viết: "Chúng tôi đã thành công trong việc tạo hình, nuôi cấy và tái tạo chiếc tai riêng cho 5 bệnh nhân". Nhóm nghiên cứu đề xuất nên theo dõi các bệnh nhân trong thời gian 5 năm sau phẫu thuật.

Chứng tai nhỏ là tình trạng một trẻ em sinh ra với một bên tai phát triển bất thường hoặc hoàn toàn không có tai - có thể làm yếu khả năng nghe. Hiện tượng này xuất hiện với tỉ lệ 1/5.000 ca sinh, phụ thuộc vào chủng tộc. Chứng tai nhỏ phổ biến trong nhóm người Mỹ La tinh, Châu Á, người thổ dân Mỹ da đỏ và người Andean.


Hình ảnh quá trình cấy ghép và phát triển tai từ mô sụn của các nhà khoa học - (Ảnh: EBioMedicine).

Các phương án chữa chứng tai nhỏ phổ biến là gắn tai giả bằng chất dẻo hoặc dùng sụn ở sườn để tạo thành chiếc tai mới.

Giáo sư Lawrence Bonassar, về công nghệ y sinh học tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, Mỹ cho biết: "Khả năng tạo hình sụn cho việc tạo hình cho các bệnh nhân tai nhỏ là mục tiêu của của cộng đồng các nhà khoa học về nuôi cấy mô trong suốt hơn hai thập kỉ qua. Giáo sư Bonassar không tham gia vào nhóm nghiên cứu nhưng là một chuyên gia về tạo hình tai từ kĩ thuật in 3D".

Ông nói: "Công trình nghiên cứu này cho thấy kỹ thuật nuôi cấy mô để tái tạo tai và các mô sụn khác sẽ sớm phổ biến trong các phòng khám chữa bệnh".

Phương pháp được thực hiện trong nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học Trung Quốc không phải là một ý tưởng mới. Nó đã được ứng dụng trên chuột từ nhiều năm trước, từ 1997. Cái mới là đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp này trên 5 bệnh nhân và theo dõi trong một thời gian dài. Năm trẻ em tham gia vào chương trình gồm: một bé gái sáu tuổi, một bé gái 9 tuổi, một bé gái 8 tuổi, một bé trai 7 tuổi và một bé gái 7 tuổi. Tất cả đều có một bên tai nhỏ - bên còn lại lành lặn.

Các nhà khoa học dùng máy chụp CT và máy in 3D để tạo ra chiếc khuôn sinh học phân hủy được theo hình dáng của chiếc tai lành. Sau đó, họ lấy sụn từ chiếc tai bị chứng tai nhỏ và nuôi trong khuôn trong 3 tháng để tạo dáng chiếc tai hoàn chỉnh.

Sau đó họ cấy chiếc tai mới cho bệnh nhân và theo dõi thường xuyên sau quá trình cấy ghép. Bệnh nhân được theo dõi lâu dài nhất là 2,5 năm.

Trong số 5 trường hợp, 4 trường cho thấy sự hình thành sụn rất rõ ràng sau 6 tháng ghép tai và 3 bệnh nhân có chiếc tai mới giống hệt chiếc tai khỏe mạnh về kích thước, góc cạnh và hình dáng.

Hai trường hợp bị móp méo nhẹ sau khi được phẫu thuật ghép tai.

Cập nhật: 01/02/2018 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video