Các nhà cổ sinh vật Trung Quốc tuyên bố phát hiện hóa thạch khủng long lớn nhất nước này từ trước tới nay ở miền tây bắc của tỉnh Tân Cương.
>>> Phát hiện hóa thạch khủng long có sừng "siêu tí hon"
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu bởi giáo sư Sun Ge, phó giám đốc Cơ quan nghiên cứu cổ sinh vật học Trung Quốc, đã phát hiện thấy hóa thạch của một loài khủng long lớn chưa từng thấy ở khu vực tây bắc của tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.
Dựa trên các bộ phận đã khai quật được, nhóm khảo cổ nhận định cá thể khủng long này thuộc loài ăn thực vật, sống ở thời kỳ giữa kỷ Jura, cách đây khoảng 165 triệu năm.
Giáo sư Sun Ge cho biết, cá thể khủng long được tìm thấy dài khoảng 35m và nặng khoảng 30 tấn. Đây là loài khủng long lớn nhất được phát hiện ở Trung Quốc cho đến nay. Loài khủng long lớn nhất sống ở kỷ Jura được phát hiện ở Trung Quốc trước đó có chiều dài dưới 30m.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục khai quật phần còn lại của hóa thạch và hy vọng sẽ phát lộ được toàn bộ bộ xương.
“Chúng tôi hy vọng kết quả khai quật trong thời gian tới sẽ giúp hé lộ thêm những bằng chứng về nguyên nhân gây ra cái chết của loài sinh vật khổng lồ này”, giáo sư Sun Ge tiết lộ trên China Daily.
Theo China Daily, nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khảo cổ học thuộc trường đại học Cát Lâm, đại học Thẩm Dương và Viện khảo sát địa chất Tân Cương đã bắt đầu khai quật từ tháng 10/2011. Khu vực phát hiện hóa thạch khủng long lớn nhất ở Trung Quốc cũng là nơi các nhà khoa học Trung Quốc và Đức phát hiện số lượng hóa thạch khủng long lớn nhất vào năm 2008.