Chip thị giác Tianmouc có khả năng xử lý hình ảnh với tốc độ kỷ lục, lên tới 10.000 khung hình mỗi giây.
Nhóm nhà khoa học từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết, họ đã phát triển chip thị giác lấy cảm hứng từ não đầu tiên trên thế giới, mang lại cho máy móc khả năng nhận thức thị giác giống con người, Interesting Engineering hôm 31/5 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature.
Chip thị giác Tianmouc. (Ảnh: Đại học Thanh Hoa).
Nhận thức thị giác AI đang đặt nền móng cho một cuộc cách mạng công nghệ mang tính đột phá, nhất là trong những hệ thống tự động như xe tự lái. Tuy nhiên, việc đạt được nhận thức thị giác hiệu quả, chính xác và linh hoạt trong môi trường đa dạng, nhiều biến động và khó đoán là thách thức lớn.
Con chip mới mang tên Tianmouc, được giới thiệu là chip thị giác nhanh nhất thế giới, có tốc độ xử lý hình ảnh kỷ lục. Nó thu thập thông tin hình ảnh với tốc độ lên tới 10.000 khung hình mỗi giây, với độ chính xác 10 bit, dải tần nhạy sáng 130 decibel. Ngoài ra, Tianmouc cũng giảm 90% băng thông và duy trì mức tiêu thụ điện năng thấp.
Tianmouc lấy cảm hứng từ hệ thống thị giác của con người. Nó phân tích thông tin thị giác theo hai con đường: một cho nhận thức và một cho phản ứng nhanh.
"Đây là một con chip nhận thức, không phải chip tính toán, dựa trên lộ trình kỹ thuật gốc của chúng tôi. Đầu tiên, nó cân đối tốc độ và hiệu suất động trong chip thị giác, đồng thời giới thiệu một phương pháp tính toán mới khác với các chiến lược thị giác máy hiện có. Thứ hai, cách tiếp cận này bắt chước con đường kép của hệ thống thị giác của con người, cho phép đưa ra quyết định hiệu quả", trưởng nhóm dự án Shi Luping, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu điện toán lấy cảm hứng từ não (CBICR) thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, Tianmouc sẽ mở ra những cánh cửa mới cho những tiến bộ trong lĩnh vực lái tự động, quốc phòng, đồng thời có thể dẫn đến sự phát triển của nhiều ứng dụng mới.