Giới khoa học Trung Quốc sử dụng kính thiên văn ở Nam Cực để tìm kiếm những hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã dựng một kính thiên văn ở vị trí cao nhất tại Nam Cực vào đầu năm 2012. Vị trí này cách mực nước biển hơn 4.000m. Nhiệm vụ chính của kính là tìm kiếm những hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời. Họ sẽ tiếp tục lắp đặt hai kính thiên văn khác trong thời gian tới, Science Daily đưa tin.
Lifan Wang hy vọng rằng các nhà khoa học Trung Quốc sẽ tìm thấy một hành tinh giống trái đất trong dải Ngân Hà. (Ảnh: truthbook.com)
Lifan Wang - một nhà thiên văn của Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Texas và cũng là giám đốc của Trung tâm Thiên văn Nam Cực tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc - tin rằng những nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài trái đất sẽ được đền đáp.
"Rất có thể loài người sẽ tìm thấy một hành tinh giống địa cầu trong vài năm tới. Một hành tinh như thế có thể tồn tại trong dải Ngân Hà và cách chúng ta vài nghìn năm ánh sáng", ông dự đoán.
Giống như nhiều nhà khoa học khác, Wang thừa nhận rằng loài người biết rất ít về sự sống.
"Có lẽ vài dạng sống không cần môi trường như trái đất. Một số dạng sống có thể tồn tại trong những môi trường cực kỳ khắc nghiệt", ông giải thích.
Nam Cực là lục địa sở hữu những điều kiện lý tưởng nhất đối với hoạt động quan sát vũ trụ. Nó có bề mặt rất phẳng. Bầu không khí Nam Cực không ô nhiễm nên quang đãng và ổn định. Nhiễu động khí rất hiếm khi xảy ra tại đây. Nhiệt độ tại Nam Cực có thể xuống tới mức - 80 độ C nên không khí ở đó rất khô, nhờ đó các nhà khoa học không gặp bức xạ từ mặt đất khi họ thu ánh sáng hồng ngoại.
Ngoài ra, màn đêm có thể bao phủ Nam Cực tới 4 tháng nên các nhà khoa học có thể theo dõi vũ trụ liên tục trong thời gian dài.
Trung Quốc cũng lên kế hoạch xây dựng một đài quan sát thiên văn ở Nam Cực để tăng cường hoạt động nghiên cứu vũ trụ. Nếu quốc hội Trung Quốc phê chuẩn kế hoạch, đài thiên văn của họ sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2020.