Trung Quốc sắp đứng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học

Trung Quốc nhảy vọt lên vị trí thứ hai về số lượng công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học tầm cỡ thế giới và có thể soán ngôi đầu của Mỹ vào năm 2013.

BBC đưa tin Hiệp hội Khoa học hoàng gia Anh hôm qua công bố một báo cáo về tình hình nghiên cứu khoa học của các nước trên hành tinh từ năm 1996 tới nay. Báo cáo cho thấy,sự trỗi dậy đáng kinh ngạc” của nền khoa học Trung Quốc trong vài năm gần đây. Trong giai đoạn 1999-2003, Trung Quốc được xếp ở vị trí thứ sáu về số lượng nghiên cứu được các tạp chí uy tín công nhận. Nhưng từ năm 2004 tới năm 2008, họ vươn lên vị trí thứ hai.

"Trung Quốc đã đoạt vị trí thứ hai về số lượng công trình nghiên cứu (vị trí này trước đó của Anh) và vào một thời điểm nào đó trước năm 2020, họ sẽ chiếm ngôi đầu của Mỹ", AFP trích một câu trong báo cáo của Hiệp hội Khoa học hoàng gia Anh.


Ảnh minh họa

Báo cáo cho thấy Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học. Số lượng công trình của họ chiếm 20% so với tổng số nghiên cứu trên toàn thế giới. Các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức vẫn chiếm đa số trong 10 vị trí đầu tiên về số lượng nghiên cứu khoa học, song tỷ lệ phần trăm về số lượng nghiên cứu của họ so với toàn thế giới đang giảm dần.

Năm 1996, số lượng nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học tầm cỡ thế giới của Mỹ là hơn 292 nghìn – gấp hơn 10 lần so với con số hơn 25 nghìn của Trung Quốc.

Song tới năm 2008, tổng số lượng nghiên cứu được công bố của Mỹ chỉ tăng nhẹ lên mức hơn 316 nghìn, trong khi số lượng nghiên cứu của Trung Quốc tăng lên hơn 184 nghìn, tức gấp hơn 7 lần so với năm 1996.

Giống như Trung Quốc, số lượng công trình nghiên cứu của các nền kinh tế mới nổi khác - như Ấn Độ, Brazil - cũng tăng mạnh.

Một số nghiên cứu trước đây dự đoán Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học trước năm 2020. Song Hiệp hội Khoa học hoàng gia Anh nhận định, Trung Quốc có khả năng soán ngôi đầu của Mỹ chỉ trong vòng hai năm tới, nghĩa là sớm hơn rất nhiều so với những dự đoán trước đây.

Giáo sư Chris Llewellyn Smith, trưởng nhóm tác giả của bản báo cáo, nói rằng, ông không cảm thấy ngạc nhiên về sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền khoa học Trung Quốc, bởi trong những năm qua nước này rất chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học.

Từ năm 1999 tới nay ngân sách dành cho khoa học của Trung Quốc tăng đều đặn 20% mỗi năm. Giờ đây số tiền mà Bắc Kinh chi cho nghiên cứu khoa học tăng lên mức 100 tỷ USD. Khoảng 1,5 triệu sinh viên khoa học và cơ khí tốt nghiệp các trường đại học Trung Quốc trong năm 2006.

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video